Làm thế nào để phát hiện lừa đảo qua điện thoại? Cách tố cáo khi "sập bẫy"

#11892 Hình sự
Câu hỏi:

Xin hỏi LuatVietnam: Hiện nay các chiêu trò lừa đảo qua điện thoại đang ngày một phổ biến và có nhiều cách thức khác nhau. Vậy, làm sao có thể nhận biết loại tội phạm này? Nếu như chẳng may bị lừa đảo qua điện thoại thì phải tố cáo hành vi này như thế nào để được cơ quan chức năng hỗ trợ xử lý, giải quyết? Xin cảm ơn!

Trả lời:

Phát hiện chiêu thức lừa đảo qua điện thoại bằng cách nào?

Thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại tuy rằng không mới nhưng do sự nhẹ dạ, cả tin, ít cập nhật thông tin từ các cơ quan chức năng cũng như thiếu hiểu biết hoặc có thể do sự tham lam mà vẫn sập bẫy.

Một số chiêu thức lừa đảo được đối tượng lừa đảo sử dụng phổ biến hiện nay bao gồm:

Một là, giả danh công an giao thông, yêu cầu nộp phạt vi phạm đối với hành vi vi phạm giao thông

Đối tượng lừa đảo giả danh cơ quan công an, yêu cầu nạn nhân nộp tiền phạt nguội vì hành vi vi phạm giao thông của mình.

Để bị hại tin tưởng, đối tượng thường dùng lời nói dọa nạt về việc sẽ treo bằng lái, dẫn chứng ngày vi phạm, thuyết phục rằng đã có camera ghi lại hình ảnh.

Bị hại bị yêu cầu chuyển tiền theo hướng dẫn: Đăng nhập đường link được gửi tới điện thoại, thực hiện chuyển khoản.

Hai là, giả danh công an hình sự, kiểm sát viên, thư ký tòa án ... yêu cầu chuyển khoản để giải quyết vụ án hình sự

Hành vi này cũng xảy ra rất thường xuyên.

Đối tượng gọi điện thông báo nạn nhân đang vướng vào một vụ án hình sự rất lớn. 

Nạn nhân bị đe dọa, nếu không chuyển tiền để phục vụ công tác điều tra, giải quyết vụ án thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tiền hoặc/ và phạt tù rất lớn.

Để nạn nhân tin tưởng, đối tượng cùng đồng bọn của mình thay nhau thực hiện dọa nạt, cung cấp các thông tin về vụ việc khiến nạn nhân tin rằng mình thực sự phạm tội và cần phải chuyển tiền cho chúng.

Khi nạn nhân tin tưởng, chúng yêu cầu phải chuyển khoản một số tiền theo đường link chúng gửi/số tài khoản ngân hàng được chúng chỉ định.

Sau khi chuyển tiền, nạn nhân mới biết mình đã bị lừa.

Ba là, giả danh nhân viên công ty ở phòng ban tuyển dụng, gọi điện mời tham gia phỏng vấn làm việc/hoặc cộng tác viên mua/ bán hàng hóa

Nạn nhân thường bị lừa thanh toán các khoản hàng hóa/gói hàng hóa để được nhận tiền hoa hồng hoàn lại (cộng tác viên) hoặc hoàn thành các nhiệm vụ (từng nhiệm vụ tương ứng với từng số tiền khác nhau) khi phỏng vấn, làm việc.

Thường trong vài giao dịch/ nhiệm vụ đầu tiên, với số tiền nạp vài triệu đến trên khoảng chục triệu đồng thì nạn nhân vẫn được thanh toán nhanh chóng tiền hoa hồng theo cam kết để tạo niềm tin, là mồi nhử.

Sau đó, khi số tiền của các giao dịch/ nhiệm vụ lớn hơn, nạn nhân sẽ không được nhận tiền hoa hồng từ đối tượng lừa đảo theo cam kết nữa, cũng không thể truy cập được vào các phần mềm thực hiện công việc và càng không thể liên hệ được với người hướng dẫn thực hiện.

Lúc này, khi nạn nhân biết mình đã bị lừa thì số tiền mất cũng đã không còn nhỏ nữa.

Trên đây là một số những chiêu trò lừa đảo qua điện thoại thường gặp nhất hiện nay.

Người dân cần phải cảnh giác, ghi nhớ một số nguyên tắc sau đây:

  • Cảnh sát giao thông, cảnh sát hình sự hay bất kỳ một cơ quan Nhà nước nào cũng sẽ không yêu cầu nộp phạt hay giải quyết, xử lý vụ án hình sự chỉ thông qua điện thoại/đường link/tài khoản ngân hàng. Mọi thông báo, yêu cầu đều phải được gửi văn bản có giá trị pháp lý theo quy định;

  • Các đơn vị tuyển dụng, mời làm cộng tác viên phải có địa chỉ, thông tin rõ ràng. Việc trao đổi công việc tốt nhất là nên thực hiện trực tiếp tại trụ sở công ty của họ. Nếu là các công ty làm việc đúng đắn, sẽ không thể có những yêu cầu như đặt cọc tiền để làm việc hoặc phải ứng trước tiền để làm việc..;

Như vậy, một số chiêu thức/chiêu trò lừa đảo qua điện thoại mà các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền thường thực hiện hiện nay như chúng tôi đã nêu trên.

Để phòng tránh/không trở thành nạn nhân của những chiêu trò lừa đảo này, người dân cần hết sức đề phòng, cảnh giác.

Một trong những biện pháp hữu ích để nâng cao khả năng nhận diện và phòng tránh lừa đảo là cần thường xuyên nâng cao nhận thức thông qua các chương trình phát thanh, truyền hình, báo chí trên các hương tiện truyền thông đại chính, các tờ báo chính thống,...

Nếu chẳng may bị lừa đảo qua điện thoại, người dân cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp được chúng tôi trình bày ở phần dưới.

Cách tố cáo nếu bị lừa đảo qua điện thoại ra sao?

Nếu không may bị lừa đảo, nạn nhân cần nhanh chóng thực hiện các công việc sau đây:

Bước 1: Trình báo/tố giác hành vi có dấu hiệu lừa đảo này tới cơ quan công an có thẩm quyền gần nhất nơi mình đang sinh sống

Việc trình báo/ tố giác có thể bằng văn bản hoặc trình báo trực tiếp tại trụ sở cơ quan công an.

Dù là viết đơn hay trình báo trực tiếp, nạn nhân nên chú ý thực hiện:

  • Diễn đạt theo trình tự thời gian diễn ra vụ việc;

  • Các con số, mốc thời gian nên rõ ràng;

  • Tập trung vào hành vi lừa đảo, các thông tin về tài khoản nhận tiền, thủ đoạn mà đối tượng lừa đảo thực hiện, số tiền bị mất để cơ quan công an có thể hiểu rõ ràng nhất về vấn đề của bạn;

  • Ngoài ra, có thể cung cấp các thông tin về đặc điểm nhận diện đối tượng lừa đảo/nhóm lừa đảo để cơ quan công an có căn cứ xác định nghi phạm, xử lý vụ việc được nhanh chóng, chính xác hơn;

Cùng với việc trình báo, nạn nhân nên:

  • Chụp ảnh lại toàn bộ các thông tin giao dịch chuyển tiền, các tin nhắn, cuộc trò chuyện của mình với đối tượng lừa đảo;

  • Sao kê tài khoản ngân hàng/hoặc bản chụp các giao dịch chuyển khoản thành công;

  • Tạm khóa tài khoản ngân hàng của mình hoặc rút tiền có trong tài khoản hoặc chuyển số tiền mình có sang tài khoản khác;

  • Chuyển toàn bộ các thông tin, tài liệu này đến cơ quan công an nơi trình báo vụ việc;

Bước 2: Ghi âm lại toàn bộ các cuộc hội thoại qua điện thoại (nếu được)

Nếu đối tượng lừa đảo có liên hệ lại với bạn qua điện thoại, hãy tỉnh táo ghi âm lại toàn bộ cuộc gọi.

Nếu có thể, hãy luôn giữ liên lạc và trò chuyện với các đối tượng lừa đảo này để khai thác thêm các thông tin liên quan như tên, tuổi, địa chỉ, cơ quan, trụ sở, số tài khoản ngân hàng, cách liên hệ… cũng như chờ cơ quan chức năng tiếp nhận để tiếp tục khai thác, truy vết.

Sau đó, cung cấp toàn bộ các thông tin khai thác được cho cơ quan công an gần nhất nơi mình sinh sống.

Lưu ý rằng:

  • Bình tĩnh xử lý vấn đề;

  • Trình báo/tố giác hành vi lừa đảo tới cơ quan công an càng sớm càng tốt;

  • Tích cực hợp tác với cơ quan công an để xử lý vụ việc;

  • Thường duyên theo dõi, tìm hiểu, nâng cao nhận thức của mình về vấn đề lừa đảo qua số điện thoại, qua mạng…đặc biệt là dịp thời gian gần Tết Nguyên đán hằng năm;

Kết luận: Việc tố cáo chiêu trò lừa đảo qua điện thoại cần phải được thực hiện nhanh chóng tại cơ quan công an có thẩm quyền gần nhất nơi nạn nhân sinh sống.

Hướng dẫn chi tiết được chúng tôi trình bày ở trên.

Xem thêm: Lừa đảo giả danh Công an: Cách nhận biết và xử lý

Trên đây là nội dung tư vấn về “Làm thế nào để phát hiện lừa đảo qua điện thoại? Cách tố cáo khi "sập bẫy" là gì?” dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn! 

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: tuvan@luatvietnam.vn
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY