Trả lời:
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội trả lời:
Trong trường hợp này, hai bạn có con khi chưa đăng ký kết hôn thì bạn trai của bạn có thể làm giấy khai sinh cho con mà không cần điền thông tin người mẹ đối với trường hợp trẻ chưa xác định được mẹ mà khi đăng ký khai sinh cha yêu cầu làm thủ tục nhận con. Cụ thể:
Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hộ tịch 2014 quy định về đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha mẹ như sau:
“1. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ đang cư trú có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ.
2. Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống.
3. Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh người cha yêu cầu làm thủ tục nhận con theo quy định tại Khoản 1 Điều 25 của Luật Hộ tịch thì Ủy ban nhân dân kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh; nội dung đăng ký khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 của Nghị định này.
4. Trường hợp trẻ chưa xác định được mẹ mà khi đăng ký khai sinh cha yêu cầu làm thủ tục nhận con thì giải quyết theo quy định tại Khoản 3 Điều này; phần khai về mẹ trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ em để trống.
5. Thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ không thuộc diện bị bỏ rơi, chưa xác định được cha và mẹ được thực hiện như quy định tại Khoản 3 Điều 14 của Nghị định này; trong Sổ hộ tịch ghi rõ “Trẻ chưa xác định được cha, mẹ”.”
Như vậy, trong trường hợp hai bạn không đăng ký kết hôn mà bạn trai bạn muốn làm giấy khai sinh cho con thì bạn trai bạn phải làm thủ tục nhận cha cho con. Cơ quan có thẩm quyền sẽ kết hợp việc nhận cha con với đăng ký khai sinh. Khi đến làm thủ tục đăng ký nhận cha cho con và khai sinh thì người cha phải có giấy tờ chứng minh quan hệ huyết thống (có thể căn cứ kết quả xét nghiệm AND).
Sau khi có giấy tờ chứng minh quan hệ cha con thì cơ quan hộ tịch mới có căn cứ ghi nhận người cha trong giấy khai sinh và để con mang họ cha. Về phần thông tin người mẹ trong sổ hộ tịch và giấy khai sinh của con có thể để trống theo quy định khoản 4 Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Thông tư 15/2015/TT-BTP thì “Trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn, sinh con, người con sống cùng với người cha, khi người cha làm thủ tục nhận con mà không liên hệ được với người mẹ thì không cần có ý kiến của người mẹ trong Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con.
Nếu có Giấy chứng sinh và giấy tờ tuỳ thân của người mẹ thì phần khai về người mẹ được ghi theo Giấy chứng sinh và giấy tờ tuỳ thân của người mẹ. Nếu không có Giấy chứng sinh và giấy tờ tuỳ thân của người mẹ thì ghi theo thông tin do người cha cung cấp, người cha chịu trách nhiệm về thông tin do mình cung cấp.”
Căn cứ quy định trên, nếu có giấy chứng sinh và giấy tờ tuỳ thân người mẹ thì phần khai người mẹ ghi theo Giấy chứng sinh và giấy tờ tuỳ thân của người mẹ. Nếu không có Giấy chứng sinh và giấy tờ tuỳ thân của người mẹ thì ghi theo thông tin do người cha cung cấp, người cha chịu trách nhiệm về thông tin do mình cung cấp.