Làm giấy khai sinh khi không có giấy chứng sinh thế nào?

Câu hỏi:

Năm nay em 24 tuổi muốn làm chứng sinh cha em mất sớm mẹ thì không biết chữ nên lúc xưa không biết làm giấy chứng sinh. Em muốn làm giấy khai sinh để làm chứng minh nhân dân (CMND) thì phải làm như thế nào ạ? Em đang sống cùng với mẹ.

Trả lời:

Làm giấy khai sinh quá hạn cũng sẽ thực hiện như đăng ký khai sinh thông thường theo Luật Hộ tịch 2014 và Nghị định 123/2015/NĐ-CP.

Theo đó, khoản 1 Điều 16 Nghị định 123/2015 nêu rõ, người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch.

Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh.

Như vậy, nếu bạn không có giấy chứng sinh thì có thể thay bằng văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh hoặc giấy cam đoan về việc sinh.

Thủ tục đăng ký khai sinh bạn tham khảo: Làm giấy khai sinh quá hạn cho người đã thành niên.

Theo điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định 05/1999/NĐ-CP, công dân đến cơ quan Công an làm thủ tục cấp CMND mới phải xuất trình hộ khẩu thường trú. Do đó, trước khi làm CMND bạn phải có Sổ hộ khẩu hoặc được nhập hộ khẩu vào Sổ hộ khẩu của người khác.

Bạn chuẩn bị hồ sơ đăng ký thường trú theo quy định tại Điều 6 Thông tư 35/2014/TT-BCA như sau:

- Bản khai nhân khẩu (HK01);

- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu nhân khẩu (HK02);

- Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp trừ trường hợp có quan hệ gia đình (là ông, bà nội, ngoại, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, cháu ruột chuyển đến ở với nhau) thì xuất trình giấy tờ chứng minh mối quan hệ nêu trên.

Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho đăng ký thường trú vào chỗ ở của mình và ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, ký, ghi rõ họ, tên;

Trường hợp người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đã có ý kiến bằng văn bản đồng ý cho đăng ký thường trú vào chỗ ở của mình thì không phải ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.

Đối với chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ tại thành phố trực thuộc Trung ương phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về điều kiện diện tích bình quân bảo đảm theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương.

Nộp hồ sơ tại:

- Công an xã, thị trấn hoặc Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh đối với tỉnh.

- Công an huyện, quận, thị xã đối với thành phố trực thuộc Trung ương.
Nguyễn Đức Phương

Được tư vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Phương

Văn phòng Luật sư Thiên Dương

http://luatducphuong.com/

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: [email protected]
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợi