Trả lời:
I. Căn cứ pháp lý
Nghị định 144/2021/NĐ-CP xử phạt hành chính lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội
II. Nội dung tư vấn
1. Hành vi không lắp đặt đường dẫn nước để nước mưa chảy qua nhà người khác bị xử phạt như sau:
Căn cứ theo Điều 250 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về Nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc thoát nước mưa “Chủ sở hữu nhà, công trình xây dựng khác phải lắp đặt đường dẫn nước sao cho nước mưa từ mái nhà, công trình xây dựng của mình không được chảy xuống bất động sản của chủ sở hữu bất động sản liền kề”.
Như vậy, việc ông B sửa nhà, làm thêm mái tonle che mưa nhưng lại không làm máng thoát nước dẫn đến khi trời mưa, nước từ mái tonle nhà ông B chảy tràn sang mái nhà bạn gây thấm nước xuống các phòng bên dưới nhà bạn đã vi phạm quy định tại Điều 250 Bộ luật Dân sự 2015.
Căn cứ vào Khoản 2, Điều 15, Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định:
“2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức….”
Do đó, ông B có thể bị xử lý vi phạm hành chính do hành vi không thực hiện việc lắp máng nước mưa để nước mưa chảy sang đất của người khác làm hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác thì tuỳ theo mức độ và tính chất của hành vi sẽ bị xử phạt hành chính từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng.
Ngoài ra, Ông B có thể phải bồi thường thiệt hại do hành vi không thực hiện làm thêm máng thoát nước dẫn đến nước mưa chảy xuống bất động sản của chủ sở hữu bất động sản liền kề (gia đình bạn)
Căn cứ theo Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:
1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.
Đồng thời tại Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại như sau:
1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
[...]
3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
Trường hợp ông B làm thêm mái tonle che mưa nhưng lại không làm máng thoát nước, dẫn đến nước mưa chảy qua nhà hàng xóm (gia đình bạn) gây thiệt hại thì ông B phải bồi thường cho gia đình bạn về tài sản, sức khỏe bị thiệt hại do hành vi dẫn nước mưa này gây nên và tuân thủ theo các nguyên tắc bồi thường thiệt hại mà luật quy định.
2. Phương án để bạn đảm bảo được quyền lợi tốt nhất cho bản thân:
Bạn cần trao đổi lại với nhà ông B, về việc họ sửa nhà như vậy là vi phạm quy định pháp luật, gây ảnh hưởng đến nhà liền kề, và thiệt hại đang xảy ra. Bạn nêu rõ quy định mà ông B đã vi phạm cụ thể tại Điều 250 Bộ luật dân sự 2015, và yêu cầu ông B phải làm thêm máng thoát nước hoặc xây dựng lại hệ thống thoát nước mưa cho hợp lý và phù hợp với quy định pháp luật, và không ảnh hưởng đến các hộ liền kề.
Trong Trường hợp ông B vẫn không đồng ý:
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 202 Luật đất đai năm 2013 quy định về Hòa giải tranh chấp đất đai: “1.Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.”
Theo quy định trên, trường hợp ông B không đồng ý xử lý vấn đề thoát nước mưa, làm ảnh hưởng và gây hư hại đến nhà bạn, bạn hoàn toàn có thể yêu cầu tổ hòa giải cơ sở tại thôn xóm tổ dân phố nơi bạn đang cư trú hòa giải cho bạn. Trong đó, bạn cần nêu rõ yêu cầu của mình là đề nghị ông B chấm dứt việc để cho nước mưa từ mái nhà ông B chảy sang nhà bạn gây ảnh hưởng tới cuộc sống và gây thiệt hai trực tiếp cho nhà của bạn. Trong trường hợp ông B vẫn không chấp nhận hòa giải tại cơ sở thì căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 202 Luật đất đai năm 2013: “2.Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.”, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 203 Luật Đất đai 2013 “tranh chấp đất đai mà đương sự có giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.”
Như vậy theo quy định trên, bạn có thể gửi đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai đến Ủy ban nhân dân cấp xã để yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai. Khi việc giải quyết tại Ủy ban nhân dân cấp xã không thành thì bạn có thể gửi đơn khởi kiện tới Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất để yêu cầu giải quyết tranh chấp.
Xem thêm: Hướng dẫn mới về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Trên đây là nội dung tư vấn về "Không lắp đặt đường dẫn nước để nước mưa chảy qua nhà người khác bị xử lý như thế nào?" dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!