Khi nào được tạm giữ người?

#10437 Hình sự
Câu hỏi:

Xin hỏi LuatVietnam: Cách đây 03 ngày, em trai tôi đi ăn cưới, sau khi ăn xong có chơi xóc đĩa với mấy người bạn. Công an ập đến và thu giữ số tiền trên chiếu bạc là 57 triệu đồng. Em tôi đã bị tạm giữ 3 ngày vẫn chưa được thả. Xin hỏi cơ quan chức năng bắt tạm giữ em tôi trong trường hợp này có đúng không? Việc tạm giữ người giữa thủ tục tố tụng hình sự và thủ tục hành chính khác nhau như thế nào ạ? Xin cảm ơn!

Trả lời:

1.Khi nào được tạm giữ người

Theo quy định tại điều 117 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015:

Điều 117. Tạm giữ

1. Tạm giữ có thể áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã.

[...]

Trong trường hợp này, em trai chị chơi xóc đĩa, số tiền bị thu giữ trên chiếu bạc là 57 triệu đồng nên sẽ bị truy cứu hình sự về Tội đánh bạc theo quy định tại điều 321 Bộ luật Hình sự 2015.

Do em chị bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang nên việc tạm giữ trong trường hợp này là đúng quy định.


2. Phân biệt tạm giữ người theo thủ tục tố tụng hình sự và tạm giữ người theo thủ tục hành chính

Một là, đối tượng có thể bị tạm giữ theo thủ tục tố tụng hình sự là những người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Còn đối tượng bị áp dụng biện pháp tạm giữ theo thủ tục hành chính là những người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hành chính.

Hai là, mục đích áp dụng biện pháp ngăn chặn nói chung theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự là: Để kịp thời ngăn chặn tội phạm và để bảo đảm cho việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Mục đích áp dụng biện pháp tạm giữ (theo thủ tục tố tụng hình sự) nói riêng là để xác định căn cứ khởi tố bị can đối với người bị bắt hoặc giao người bị truy nã cho cơ quan đã ra lệnh truy nã. Còn mục đích tạm giữ người theo thủ tục hành chính là ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác hoặc để thu thập, xác minh những tình tiết quan trọng làm căn cứ để quyết định xử lý vi phạm hành chính.

Ba là, những người sau đây có quyền ra lệnh tạm giữ theo thủ tục tố tụng hình sự: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp; Người chỉ huy đơn vị quân đội độc lập cấp Trung đoàn và tương đương; Người chỉ huy đồn biên phòng ở hải đảo và biên giới; Người chỉ huy tàu bay, tàu biển, khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng; Chỉ huy trưởng vùng Cảnh sát biển. Ngoài Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp huyện, người chỉ huy tàu bay, tàu biển, thì còn rất nhiều người có thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính. Như vậy, thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục tố tụng hình sự hạn chế hơn thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính.

Bốn là, về thủ tục thì cả tạm giữ người theo thủ tục tố tụng hình sự và tạm giữ người theo thủ tục hành chính đều phải có quyết định tạm giữ của người có thẩm quyền. Nhưng sau khi ra quyết định tạm giữ theo thủ tục tố tụng hình sự, thì người có thẩm quyền phải gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi ra quyết định tạm giữ. Viện kiểm sát có quyền xem xét và nếu xét thấy việc tạm giữ không có căn cứ, thì huỷ bỏ quyết định tạm giữ; khi đó người ra quyết định tạm giữ phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ. Còn quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính không phải gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp.

Người bị tạm giữ theo thủ tục tố tụng hình sự bị tạm giữ ở nhà tạm giữ, hoặc buồng tạm giữ của trại tạm giam. Còn người bị tạm giữ theo thủ tục hành chính không bị giữ ở nhà tạm giữ, hoặc buồng tạm giữ của trại tạm giam.

Năm là, thời hạn tạm giữ theo thủ tục tố tụng hình sự là ba ngày và có thể gia hạn hai lần mỗi lần không quá ba ngày. Còn thời hạn tạm giữ theo thủ tục hành chính là 12 giờ và có thể kéo dài đến 24 giờ; đối với người vi phạm quy chế biên giới hoặc vi phạm hành chính ở vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo thì thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 48 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm.

Việc gia hạn tạm giữ theo thủ tục hành chính không cần phải có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát cùng cấp trước khi thi hành. Còn việc kéo dài thời tạm giữ theo thủ tục hành chính không cần có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát cùng cấp trước khi thi hành.

Thời hạn tạm giữ theo thủ tục tố tụng hình sự được trừ vào thời hạn tạm giam, cứ một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tạm giam. Nếu sau đó người đã bị tạm giữ bị kết án và phạt tù có thời hạn, thì thời hạn tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù, cứ một ngày tạm giữ, tạm giam bằng một ngày tù (Điều 33 Bộ luật Hình sự 2015). Còn thời hạn tạm giữ theo thủ tục hành chính không được trừ vào thời hạn tạm giam và do vậy cũng không được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt.

Xem thêm: Căn cứ để tạm giữ hình sự là gì? Thời hạn tạm giữ bao lâu?

Trên đây là nội dung tư vấn cho câu hỏi “Khi nào được tạm giữ người?​” dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: tuvan@luatvietnam.vn
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY