Khi nào công an có quyền yêu cầu người dân đi giám định thương tật?

Câu hỏi:

Xin hỏi LuatVietnam: Ngày 27/1/2022, tôi có uống rượu tại nhà anh A. Do hai bên có mâu thuẫn từ đầu, anh A có dùng gậy gỗ đánh vào chân tôi. Sau đó, tôi và anh A đã hòa giải với nhau và không trình báo vụ việc với bên cơ quan công an. Tuy nhiên, ngày 28/1/2022, cơ quan công an có tiến hành ra quyết định trưng cầu giám định vết thương ở chân của tôi để xác định trách nhiệm hình sự của anh A. Vậy việc cơ quan công an tự ý ra quyết định trưng cầu giám định trong khi không có đơn yêu cầu của tôi thì có đúng quy định pháp luật không? Xin cảm ơn

Trả lời:

Trong trường hợp của bạn có thể nhận thấy anh A có hành vi cố ý gây thương tích, gây tổn hại đến sức khỏe của bạn khi dùng gậy gỗ đánh vào chân bạn, anh A có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 (sau đây gọi chung là BLHS)

Hiện nay đối với một số hành vi phạm tội theo quy định của pháp luật phải có yêu cầu của người bị hại hoặc đại diện người bị hại thì người phạm tội mới phải chịu trách nhiệm hình sự, cụ thể tại khoản 1 Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự (sau đây gọi chung là BLTTHS) có quy định:

“Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.”

Quy định này chỉ áp dụng cho những hành vi ít nghiêm trọng và đề cao quyền của người bị hại. Đối với một số vụ việc có thể giải quyết bằng các con đường khác như dân sự, hành chính và tránh áp dụng chế tài hình sự vào những hành vi ít gây nguy hiểm này.

Đối với tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 BLHS mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thì khi đó phải có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại mới tiến hành khởi tố vụ án.

Đối với tội cố ý gây thương tích không dừng lại ở khoản 1 mà nằm ở các khoản còn lại thì không cần có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại.

Tuy nhiên, tại Điều 206 BLTTHS có quy định về các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định như sau:

“Bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định:

1. Tình trạng tâm thần của người bị buộc tội khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ; tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc bị hại khi có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức, khả năng khai báo đúng đắn về những tình tiết của vụ án;

2. Tuổi của bị can, bị cáo, bị hại nếu việc đó có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án và không có tài liệu để xác định chính xác tuổi của họ hoặc có nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó;

3. Nguyên nhân chết người;

4. Tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khoẻ hoặc khả năng lao động;

5. Chất ma tuý, vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, tiền giả, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ;

6. Mức độ ô nhiễm môi trường.”

Như vậy, để xác định được tội phạm cơ quan có thẩm quyền trước hết phải giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể của bạn để làm căn cứ giải quyết, nhằm không bỏ lọt tội phạm.

Xem thêm: Giám định tỷ lệ thương tật ở đâu?

Trên đây là nội dung tư vấn dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006199 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!

Nguyễn Hồng Tâm

Được tư vấn bởi: Luật sư Nguyễn Hồng Tâm

Công ty luật TNHH Chí Công & Thiện Tâm

Luatcongtam.com.vn- 0972810901

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: [email protected]
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợi