Khi nào bị buộc tiêu hủy hàng hóa là tang vật vi phạm hành chính?

Câu hỏi:

Xin hỏi LuatVietnam: Tôi bị cơ quan quản lý thị trường xử phạt về hành vi buôn bán hàng lậu và yêu cầu tôi phải tự tiêu hủy hàng hóa là lô bánh trung thu. Vậy xin hỏi, tại sao họ lại yêu cầu tôi tự tiêu hủy mà không tịch thu mang về tiêu hủy. Nếu tôi phải tiêu hủy thì có phải theo quy trình nào không hay cứ đào hố và vùi lấp hay đốt hay như thế nào? Cơ quan nào được quyền xử phạt và yêu cầu tôi tiêu hủy? Xin cảm ơn!

Trả lời:

Tại khoản 5 Điều 2 Thông tư 173/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện về quản lý, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành ngày 21/11/2013 quy định: “Hàng hóa có tính chất thời vụ (hàng tiêu dùng theo mùa, phục vụ lễ, tết), hàng điện tử cao cấp (các loại máy tính bảng, điện thoại thông minh) và các loại hàng hoá, vật phẩm khác nếu không xử lý ngay sau khi có quyết định tạm giữ hoặc quyết định tịch thu sẽ bị hư hỏng, không bán được hoặc hết thời hạn sử dụng”. Do đó, bánh trung thu của bạn thuộc trường hợp hàng có tính chất thời vụ.

Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 4 Thông tư 173/2013/TT-BTC ngày 21/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính thì: “Người ra quyết định tạm giữ thành lập Hội đồng xử lý để tiêu hủy các hàng hoá, vật phẩm bị hư hỏng quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư này. Hội đồng xử lý do người ra quyết định tạm giữ hoặc người được uỷ quyền làm Chủ tịch, các thành viên khác gồm: đại diện cơ quan tài chính cùng cấp hoặc cơ quan tài chính tại địa bàn xảy ra hành vi vi phạm (trong trường hợp được cơ quan tài chính cấp trên uỷ quyền hoặc trường hợp người ra quyết định tạm giữ thuộc cơ quan không tổ chức theo cấp hành chính) và đại diện các cơ quan chuyên môn liên quan”. Vì vậy, việc cơ quan quản lý thị trường yêu cầu bạn tự tiêu hủy là không đúng quy định của pháp luật.

Việc tiêu hủy phải tuân thủ đúng quy định về hình thức tiêu hủy theo điểm b khoản 2 Điều 4 Thông tư 173/2013/TT-BTC ngày 21/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Do đó, tuỳ thuộc vào tính chất, đặc điểm của hàng hoá, vật phẩm và yêu cầu đảm bảo vệ sinh môi trường, việc tiêu hủy được thực hiện theo các hình thức: Sử dụng hóa chất; Sử dụng biện pháp cơ học; Hủy đốt; Hủy chôn; Hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Việc tiêu hủy hàng hoá (bánh trung thu) phải được lập thành biên bản, có đầy đủ chữ ký của các thành viên Hội đồng xử lý. Nội dung chủ yếu của biên bản gồm: căn cứ và lý do thực hiện tiêu huỷ; thời gian, địa điểm tiêu huỷ; thành phần tham gia tiêu huỷ; tên, chủng loại, nguồn gốc, xuất xứ, số lượng, hiện trạng của hàng hoá tại thời điểm tiêu huỷ; hình thức tiêu hủy và các nội dung khác có liên quan.

Thẩm quyền xử phạt và yêu cầu tiêu hủy sẽ do: Đội trưởng Đội Quản lý thị trường; Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh, Cục trưởng Cục nghiệp vụ quản lý thị trường trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường; Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường xử phạt và yêu cầu áp dụng biện pháp khắp phục hậu quả theo quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 82 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ngày 26/8/2020.

Trên đây là nội dung tư vấn dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!

Nguyễn Đức Hùng

Được tư vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

0918.368.772

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: [email protected]
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợi