Trả lời:
Theo như bạn trình bày thì việc Công ty bạn bán hàng cho Công ty Hàn Quốc nhưng hàng hóa lại gửi cho một người ở Việt Nam thì được xem là xuất khẩu tại chỗ. Cụ thể, xuất khẩu tại chỗ là trường hợp hàng hóa được sản xuất phục vụ xuất khẩu cho một thương nhân nước ngoài, nhưng hàng hóa sẽ được giao hàng tại Việt Nam cho một đơn vị theo chỉ định của thương nhân nước ngoài. Doanh nghiệp xuất khẩu bao gồm doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Căn cứ tại điểm a khoản 1 Điều 9 Thông tư số 219/2013/TT-BTC quy định:
“Điều 9. Thuế suất 0%
1. Thuế suất 0%: áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài và ở trong khu phi thuế quan; vận tải quốc tế; hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu, trừ các trường hợp không áp dụng mức thuế suất 0% hướng dẫn tại khoản 3 Điều này;
Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu là hàng hóa, dịch vụ được bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam; bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan; hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho khách hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật.
a) Hàng hóa xuất khẩu bao gồm:
[…]
- Các trường hợp được coi là xuất khẩu theo quy định của pháp luật:
[…]
+ Hàng hóa xuất khẩu tại chỗ theo quy định của pháp luật”
Điểm c Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP quy định:
“Điều 35. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ
1. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ bao gồm:
[…]
c) Hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với doanh nghiệp khác tại Việt Nam.”
Như vậy, đối với hàng hóa xuất khẩu tại chỗ để được khấu trừ hoàn thuế GTGT thì Công ty bạn phải tuân thủ theo quy định tại Điều 17 Thông tư số 219/2013/TT-BTC, cụ thể như sau:
“Điều 17. Điều kiện khấu trừ hoàn thuế GTGT đầu vào đối với một số trường hợp hàng hóa được coi như xuất khẩu
[…]
2. Hàng hóa xuất khẩu tại chỗ theo quy định của pháp luật
a) Hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc hợp đồng gia công có chỉ định giao hàng tại Việt Nam;
b) Tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu – nhập khẩu tại chỗ đã làm xong thủ tục hải quan;
c) Hóa đơn giá trị gia tăng hoặc hóa đơn xuất khẩu ghi rõ tên người mua phía nước ngoài, tên doanh nghiệp nhận hàng và địa điểm giao hàng tại Việt Nam;
d) Hàng hóa bán cho thương nhân nước ngoài nhưng giao hàng tại Việt Nam phải thanh toán qua ngân hàng bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi. Chứng từ thanh toán qua ngân hàng theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 16 Thông tư này. Trường hợp người nhập khẩu tại chỗ được phía nước ngoài ủy quyền thanh toán cho người xuất khẩu tại chỗ thì đồng tiền thanh toán thực hiện theo quy định của pháp luật về ngoại hối;
đ) Hàng hóa xuất khẩu tại chỗ của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải phù hợp với quy định tại giấy phép đầu tư.”
Ngoài ra, so với quy định trên để được khấu trừ, hoàn thuế GTGT thì công ty bạn cần lưu ý thêm về một số giấy tờ như:
- Lập hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc hợp đồng gia công có chỉ định giao hàng tại Việt Nam;
- Lập tờ khai hải quan theo hình thức hàng hóa xuất khẩu – nhập khẩu tại chỗ và đã làm xong thủ tục hải quan;
- Lập hóa đơn giá trị gia tăng hoặc hóa đơn xuất khẩu ghi rõ tên người mua phía nước ngoài, tên doanh nghiệp nhận hàng và địa điểm giao hàng tại Việt Nam;
- Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoai, hàng hóa xuất khẩu tại chỗ của bạn phải phù hợp với quy định tại giấy phép đầu tư.
Xem thêm: Hóa đơn nước ngoài như thế nào là hợp lệ?
Trên đây là nội dung tư vấn cho câu hỏi “Hướng dẫn xuất hóa đơn khi bán hàng xuất khẩu tại chỗ“ dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!