Trả lời:
Điều kiện để được miễn thi môn ngoại ngữ đầu vào
Theo Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ ban hành kèm theo Thông tư 15/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì phương thức tuyển sinh là thi tuyển với người Việt Nam, xét tuyển đối với người nước ngoài có nguyện vọng học thạc sỹ tại Việt Nam (Điều 4).
Với bằng tốt nghiệp đại học, ngành ngôn ngữ ở nước ngoài thì bạn đủ điều kiện để được miễn thi môn ngoại ngữ (Điều 5). Ngoài ra, tại Điều 5 Quy chế trên cũng quy định thêm các môn tuyển sinh đầu vào thạc sỹ gồm:
1. Môn ngoại ngữ và trình độ ngoại ngữ;
2. Hai môn thi khác, trong đó có một môn chủ chốt của ngành, chuyên ngành đào tạo, được xác định theo yêu cầu của ngành, chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ. Mỗi môn thi có thể kiểm tra kiến thức một môn học hoặc tích hợp kiểm tra kiến thức một số môn học của trình độ đại học.
3. Đối với ngành, chuyên ngành đặc thù hoặc chương trình đào tạo thạc sĩ theo định hướng ứng dụng, cơ sở đào tạo có thể thay môn thi không chủ chốt nêu tại mục 2 bằng phương thức kiểm tra năng lực khác phù hợp với yêu cầu của ngành, chuyên ngành, chương trình đào tạo. Việc thay thế này (nếu có) phải được quy định cụ thể về yêu cầu kiểm tra, thang điểm và thực hiện đối với tất cả các thí sinh dự thi vào ngành, chuyên ngành đào tạo.
Ngoài ra, Điều 8 quy định cụ thể về điều kiện dự thi như sau:
1. Về văn bằng:
a. Đã tốt nghiệp đại học ngành đúng, ngành phù hợp với ngành, chuyên ngành đăng ký dự thi đào tạo trình độ thạc sĩ.
b. Đã tốt nghiệp đại học ngành gần với ngành, chuyên ngành đăng ký dự thi đào tạo trình độ thạc sĩ.
c. Nếu tốt nghiệp đại học một số ngành khác với ngành dự thi đào tạo trình độ thạc sĩ khi không cùng nhóm ngành trong Danh mục giáo dục đào tạo Việt Nam cấp III có thể đăng ký dự thi vào ngành, chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ thuộc lĩnh vực quản trị, quản lý sau khi đã học bổ sung kiến thức trước khi dự thi;
d. Văn bằng đại học do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp phải thực hiện thủ tục công nhận theo quy định hiện hành;
e. Căn cứ vào điều kiện của cơ sở đào tạo và yêu cầu của ngành, chuyên ngành đào tạo, thủ trưởng cơ sở đào tạo quy định cụ thể về điều kiện văn bằng của thí sinh dự thi.
2. Về kinh nghiệm công tác chuyên môn: Tùy theo yêu cầu của từng ngành, chuyên ngành đào tạo, trên cơ sở đề nghị của hội đồng khoa học đào tạo, thủ trưởng cơ sở đào tạo quy định cụ thể điều kiện về thời gian làm việc chuyên môn để tích lũy kinh nghiệm thực tiễn trước khi đăng ký dự thi. Trường hợp người có bằng tốt nghiệp ngành khác đăng ký dự thi vào ngành, chuyên ngành thuộc lĩnh vực quản trị, quản lý thì phải có tối thiểu 2 (hai) năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực đăng ký dự thi.
3. Lý lịch bản thân rõ ràng, không trong thời gian thi hành kỷ luật từ mức cảnh cáo trở lên và không trong thời gian thi hành án hình sự, được cơ quan quản lý nhân sự nơi đang làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi cư trú xác nhận.
4. Có đủ sức khoẻ để học tập (có giấy khám sức khoẻ).
5. Nộp hồ sơ đầy đủ, đúng thời hạn theo quy định của cơ sở đào tạo.
Điều kiện để được miễn thi môn ngoại ngữ khi tốt nghiệp ra
Cũng tại Điều 27 Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ ban hành kèm theo Thông tư 15/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo nếu trên, điều kiện miễn thi ngoại ngữ khi tốt nghiệp khoá đào tạo thạc sỹ có dẫn chiếu đến Phụ lục số II như sau:
“Đạt trình độ ngoại ngữ do thủ trưởng cơ sở đào tạo quy định theo đề nghị của hội đồng khoa học đào tạo nhưng tối thiểu phải từ bậc 3/6 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương”
Như vậy, theo điểm b khoản 2 Điều 27 của thông tư trên và Công văn số 7274/BGDĐT-GDĐH của Bộ Giáo dục và đào tạo ngày 31/10/2012 thì điều kiện về ngoại ngữ để bảo vệ luận văn thạc sỹ do thủ trưởng cơ sở đào tạo quy định theo đề nghị của hội đồng khoa học đào tạo nhưng tối thiểu phải từ bậc 3/6 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương. Hiểu một cách cơ bản nhất thì chuẩn đầu ra ngoại ngữ phải đạt 3/6, còn việc quy đổi chứng chỉ nào, bằng cấp nào và tương đương được bậc bao nhiêu thì do thủ trưởng quyết định (nhưng tối thiểu phải từ bậc 3/6 trở lên).
Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ ban hành kèm theo Thông tư 15/2014/BGD&ĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại trang: Luatvietnam.vn, bạn tham khảo nhé!
Trên đây là nội dung tư vấn của luật sư, chúc bạn sớm đạt được kế hoạch học tập của mình.
Trân trọng./.