Trả lời:
Cách xử lý khi chủ đầu tư chậm bàn giao nhà
Theo quy định tại Điều 56 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 thì khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng. Sau đó, chủ đầu tư có trách nhiệm cung cấp hợp đồng mua, cho thuê mua nhà ở của khách hàng. Căn cứ vào đó, ngân hàng sẽ phát hành cam kết bảo lãnh dưới hình thức thư bảo lãnh cho từng khách hàng.
Như vậy, trường hợp khách hàng đã nhận được thư bảo lãnh đối với căn hộ hình thành trong tương lai, mà chủ đầu tư chậm tiến độ bàn giao thì khách hàng có thể yêu cầu ngân hàng bảo lãnh thực hiện bảo lãnh theo hợp đồng.
Cụ thể, khoản 3 Điều 56 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 nêu rõ: “Trường hợp chủ đầu tư không thực hiện bàn giao nhà ở theo tiến độ đã cam kết và bên mua, bên thuê mua có yêu cầu thì bên bảo lãnh có trách nhiệm hoàn lại số tiền ứng trước và các khoản tiền khác cho khách hàng theo hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở và hợp đồng bảo lãnh đã ký kết.”
Tuy nhiên, việc bảo lãnh trên chỉ có hiệu lực trong một thời gian nhất định được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 12 Thông tư 07/2015/TT-NHNN như sau: “Cam kết bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải có hiệu lực đến thời điểm ít nhất sau 30 ngày kể từ ngày bàn giao nhà cho bên mua, bên thuê mua nhà ở theo thỏa thuận của chủ đầu tư với bên mua, bên thuê mua nhà ở.”
Do đó, nếu hết thời gian bảo lãnh mà khách hàng không yêu cầu ngân hàng thanh toán các khoản tiền theo quy định thì ngân hàng sẽ không phải hoàn trả số tiền đó thay cho chủ đầu tư.
Trường hợp này, khách hàng có thể tiến hành thỏa thuận lại với chủ đầu tư hoặc khởi kiện ra Tòa án cấp có thẩm quyền yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng và các nghĩa vụ phát sinh khác.
Xem thêm: Người mua nên làm gì khi chủ đầu tư chậm giao nhà?
Làm gì khi chủ đầu tư không chịu tiếp khách hàng?
Trong trường hợp cần chủ đầu tư thanh toán tiền gốc và phí phạt theo đúng phiếu hẹn, nhưng khi khách hàng đến trụ sở, chủ đầu tư chỉ cử đại diện, là nhân viên ra làm việc, nhưng không cho Thượng đế của mình được đi cùng luật sư, người nhà cùng vào phòng thương lượng, thì người dân nên làm gì để bảo vệ an toàn tính mạng, sự tin cậy về thông tin và sự tư vấn của luật sư theo quy đinh về quyền tự do đi lại, tự do thư tín của khách hàng (chứ không phải kẻ thù hay tội phạm)?
Trên thực tế, tình huống trên xảy ra không ít và khách hàng có thể gửi văn bản đến chủ đầu tư yêu cầu gặp mặt trao đổi trực tiếp và có luật sư đi cùng.
Nếu chủ đầu tư từ chối không thực hiện nghĩa vụ của mình và xâm phạm trực tiếp đến quyền của công dân thì khách hàng có thể yêu cầu các cơ quan chức năng có thẩm quyền vào cuộc để đảm bảo quyền và lợi ích của mình. Hoặc khách hàng có thể tiến hành khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền để yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng.
Xem thêm: Dự án chung cư bị “siết nợ”, quyền của người mua nhà tính sao?
Trên đây là nội dung tư vấn dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!