Trả lời:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có nội dung như sau:
“Điều 7. Trường hợp người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động
[…]
3. Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi 11 ngành dịch vụ trong biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới, bao gồm: kinh doanh, thông tin, xây dựng, phân phối, giáo dục, môi trường, tài chính, y tế, du lịch, văn hóa giải trí và vận tải.”
Bạn đối chiếu với trường hợp của Công ty bạn, nếu người lao động này di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi 11 ngành dịch vụ trong biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới, bao gồm: kinh doanh, thông tin, xây dựng, phân phối, giáo dục, môi trường, tài chính, y tế, du lịch, văn hóa giải trí và vận tải thì không phải xin giấy phép lao động.
Căn cứ Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân, hướng dẫn như sau:
+ Tại Điều 1 quy định về người nộp thuế như sau:
“Điều 1. Người nộp thuế
[…]
1. Cá nhân cư trú là người đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
a) Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam, trong đó ngày đến và ngày đi được tính là một (01) ngày. Ngày đến và ngày đi được căn cứ vào chứng thực của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh trên hộ chiếu (hoặc giấy thông hành) của cá nhân khi đến và khi rời Việt Nam. Trường hợp nhập cảnh và xuất cảnh trong cùng một ngày thì được tính chung là một ngày cư trú.
Cá nhân có mặt tại Việt Nam theo hướng dẫn tại điểm này là sự hiện diện của cá nhân đó trên lãnh thổ Việt Nam.
b) Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam theo một trong hai trường hợp sau:
[…]
2. Cá nhân không cư trú là người không đáp ứng điều kiện nêu tại khoản 1, Điều này.”
+ Tại Điều 7 quy định về căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ tiền lương tiền công của cá nhân cư trú như sau:
“Điều 7. Căn cứ tính thuế đối với thu nhập chịu thuế từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công
Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh và thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập tính thuế và thuế suất, cụ thể như sau:
[…]
2. Thuế suất
Thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công được áp dụng theo Biểu thuế lũy tiến từng phần quy định tại Điều 22 Luật Thuế thu nhập cá nhân, cụ thể như sau:
…”
+ Tại điều 18 quy định về căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân không cư trú như sau:
“Điều 18. Đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công
1. Thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân không cư trú được xác định bằng thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công nhân (x) với thuế suất 20%.
…”
+ Tại Điều 26 quy định về khai thuế, quyết toán thuế:
“Điều 26. Khai thuế, quyết toán thuế
[….]
2. Khai thuế đối với cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công, từ kinh doanh
a) Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công khai thuế trực tiếp với cơ quan thuế bao gồm:
[…]
a.2) Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công do các tổ chức, cá nhân trả từ nước ngoài thực hiện khai thuế trực tiếp với cơ quan thuế theo quý.
[…]
7. Khai thuế đối với cá nhân cư trú có thu nhập phát sinh tại nước ngoài
Cá nhân cư trú có thu nhập phát sinh tại nước ngoài thực hiện khai thuế theo từng lần phát sinh, riêng cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công trả từ nước ngoài khai thuế theo quý.
8. Khai thuế đối với cá nhân không cư trú có thu nhập phát sinh tại Việt Nam nhưng nhận thu nhập ở nước ngoài
a) Cá nhân không cư trú có thu nhập phát sinh tại Việt Nam nhưng nhận tại nước ngoài khai thuế theo lần phát sinh. Riêng cá nhân không cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công phát sinh tại Việt Nam nhưng nhận tại nước ngoài khai thuế theo quý.
…”
Căn cứ các quy định trên, trường hợp công ty của bạn, lương và các chế độ của chuyên gia được chi trả từ nước ngoài thì:
1. Trường hợp chuyên gia nước ngoài đáp ứng điều kiện là cá nhân cư trú trong năm tính thuế thì thu nhập chịu thuế TNCN là thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả thu nhập. Cá nhân thực hiện kê khai thuế TNCN theo Biểu thuế lũy tiến từng phần hướng dẫn tại khoản 7 Điều 26 Thông tư số 111/2013/TT-BTC và khoản 7 Điều 16 Thông tư 156/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Trường hợp chuyên gia nước ngoài đáp ứng điều kiện là cá nhân không cư trú trong năm tính thuế thì thu nhập chịu thuế TNCN là thu nhập phát sinh tại Việt Nam (không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập). Cá nhân thực hiện kê khai thuế theo thuế suất 20% hướng dẫn tại khoản 8 Điều 26 Thông tư số 111/2013/TT-BTC và khoản 8 Điều 16 Thông tư 156/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính.
2. Trường hợp có Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và và quốc gia đó có hiệu lực và chuyên gia nước ngoài đủ điều kiện miễn thuế TNCN theo quy định tại Điều 31 Thông tư 205/2013/TT-BTC ngày 24/12/2013 của Bộ Tài chính thì chuyên gia nước ngoài phải lập hồ sơ miễn thuế, giảm thuế theo quy định tại khoản 13 Điều 16 Thông tư số 156/2013/TT-BTC nêu trên.
Trên đây là nội dung tư vấn dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!