Hợp đồng đặt cọc có cần chữ ký của vợ không?

Câu hỏi:

Xin hỏi LuatVietnam: Hai vợ chồng tôi có một mảnh đất rộng 300m2 ở quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh. Do chồng tôi chơi cờ bạc, tôi thì làm ăn xa nên chồng tôi muốn đem bán lấy tiền. Tôi phát hiện chồng tôi đã làm hợp đồng đặt cọc và nhận 300 triệu tiền cọc. Hợp đồng nêu rõ nếu bên bán không bán thì phải bồi thường gấp đôi. Xin hỏi trong trường hợp này, tôi không ký trong hợp đồng đặt cọc thì hợp đồng đó có giá trị pháp lý không? Gia đình tôi có bị phạt cọc không? Xin cảm ơn!

Trả lời:

Trước tiên, cần xem xét vấn đề dưới hai trường hợp. Thứ nhất là mảnh đất trên thuộc quyền sở hữu chung của vợ và chồng. Thứ hai là mảnh đất trên thuộc quyền sở hữu riêng của người chồng.

Trường hợp 1: Mảnh đất trên thuộc quyền sở hữu riêng của người chồng

Điều 44 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng. Theo đó, nếu xác định mảnh đất trên của người chồng là tài sản có trước khi kết hôn chứ không phải là tải sản mua sau khi kết hôn hay tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân,… và đồng thời tài sản này không được người chồng sáp nhập vào tài sản chung thì đó là tải sản riêng của người chồng.

Vì vậy trong trường hợp người chồng bán mảnh đất này mà không có chữ ký của người vợ là đúng theo quy định của pháp luật. Và người vợ cũng không có quyền đối với mảnh đất này.

Hop-dong-dat-coc-co-can-chu-ki-cua-vo

Trường hợp 2: Mảnh đất trên thuộc quyền sở hữu chung của vợ chồng

Theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về tài sản chung của vợ, chồng xác định tài sản chung của vợ, chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân.

Khi xác định được mảnh đất là tài sản chung của vợ, chồng. Căn cứ tại Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận.

Tuy nhiên, có một số trường hợp pháp luật quy định việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng như:

- Bất động sản;

- Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu;

- Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình.

Có thể nhận thấy, đất là bất động sản. Vì vậy khi người chồng muốn bán mảnh đất này thì bắc buộc phải có sự thông báo và phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng. Nếu người chồng tự ý bán mà không có chữ ký của vợ là trái với quy định của pháp luật. Khi đó, giao dịch mua bán đất do người chồng xác lập trên có thể bị tuyên vô hiệu.

 

Về câu hỏi liên quan đến hợp đồng đặt cọc của Quý độc giả

Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.

Theo quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015 xác định đặt cọc là một giao dịch dân sự. Theo đó, giao dịch dân sự chỉ có hiệu lực khi đáp ứng các điều kiện về nội dung và hình thức của hợp đồng như hợp đồng phải được lập thành văn bản và về chủ thể ký kết, cụ thể như sau:

- Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

- Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

- Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Như vậy, có thể thấy việc đặt cọc nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện nói trên thì hợp đồng có giá trị pháp lý, không cần thiết phải có chữ ký của cả vợ và chồng thì hợp đồng đó mới phát sinh hiệu lực. Do đó, với tình huống của Quý độc giả, chỉ cần có một mình vợ hoặc chồng ký kết hợp đồng đặt cọc thì hợp đồng đã đảm bảo đủ yếu tố về chủ thể có thẩm quyền ký kết và đã có giá trị pháp lý.

Trong trường hợp từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc.

Xem thêmĐặt cọc mua nhà đất: 7 điều phải biết khi ký hợp đồng đặt cọc

Trên đây là nội dung tư vấn cho câu hỏi hợp đồng đặt cọc có cần chữ kí của vợ không dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!

Nguyễn Văn Tuấn

Được tư vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty Luật TNHH TGS

https://tgslaw.vn- 1900.8698

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: [email protected]
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợi