Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất không có chữ ký của vợ có hiệu lực không?

Câu hỏi:

Xin hỏi LuatVietNam: Năm 2010, gia đình tôi mua đất của ông A. Ông A hứa sẽ sang tên cho vợ chồng tôi. Tuy nhiên hợp đồng mua bán không có chữ kí của vợ (đây là tài sản chung của vợ chồng). Gia đình tôi đã xây nhà ở đến nay được 10 năm. Đến nay, tôi muốn ông A sang tên nhưng vợ ông không đồng ý ký. Vậy xin hỏi luật sư tôi phải giải quyết như thế nào? Hợp đồng mua bán có giá trị pháp lý không? Nếu kiện ra tòa khả năng thắng của gia đình tôi cao không? Nếu thua thì đất và tài sản trên đất sẽ được xử lí như thế nào? Xin cảm ơn.

Trả lời:

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì giao dịch liên quan đến bất động sản bắt buộc phải được công chứng, chứng thực. Thêm nữa, nhà đất anh mua là tài sản chung của vợ chồng người bán nên phải được sự đồng ý của cả hai vợ chồng người bán.

- Khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013 quy định điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất như sau:

“1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;

b) Đất không có tranh chấp;

c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

d) Trong thời hạn sử dụng đất.”

- Khoản 1 Điều 213 Bộ luật Dân sự 2015 quy định sở hữu chung của vợ chồng như sau:

“1. Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia”

- Điểm a khoản 2 Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định sở hữu chung của vợ chồng như sau:

“2. Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây:

a) Bất động sản;”

- Khoản 2 Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định

Điều 122 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 của Bộ luật này thì vô hiệu, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác”.

Như vậy, trường hợp của anh/chị rơi vào trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu, Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015 quy định trong trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu, các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận và khôi phục lại tình trạng bên đầu, những gì không hoàn trả được bằng hiện vật thì hoàn trả bằng tiền.

Tuy nhiên theo thông tin anh/chị cung cấp còn chưa đầy đủ, còn nhiều thông tin cần xác minh, do vậy, để đưa ra được nội dung tư vấn chính xác về việc giải quyết vụ việc và đánh giá cơ sở pháp lý cho việc khởi kiện của anh/chị thì anh/chị cần cung cấp thêm thông tin và hồ sơ, tài liệu cho luật sư.

Trên đây là nội dung tư vấn dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: tuvan@luatvietnam.vn
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY