Trả lời:
Hộ kinh doanh là loại hình được ghi nhận tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp. Theo quy định tại Nghị định, đặc điểm của hộ kinh doanh như sau:
“Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.”
Hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân do không đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể:
- Tài sản của hộ kinh doanh không tách bạch với tài sản của cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình;
- Cơ cấu tổ chức đơn giản, không có Điều lệ như theo quy định tại Điều 83 Bộ luật Dân sự 2015.
Điều kiện sử dụng con dấu được quy định tại Điều 5 Nghị định 99/2016/NĐ-CP, cụ thể như sau:
“Điều 5. Điều kiện sử dụng con dấu
1. Cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước chỉ được sử dụng con dấu khi đã có quy định về việc được phép sử dụng con dấu trong văn bản quy phạm pháp luật hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền; phải đăng ký mẫu con dấu trước khi sử dụng.
[…]
4. Cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước chỉ được sử dụng một con dấu theo mẫu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.”
Từ những quy định trên, hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân nên không thể có con dấu pháp nhân hay được phép đăng ký mẫu dấu và chịu sự điều chỉnh của Nghị định 99/2016/NĐ-CP về quản lý và sử dụng con dấu.
Như vậy, hộ kinh doanh không thuộc một trong những đối tượng được phép đăng ký sử dụng con dấu pháp nhân phục vụ cho việc kinh doanh như bạn đang tìm hiểu.
Tuy nhiên, pháp luật cũng không cấm việc hộ kinh doanh có thể tự thiết kế, đặt in và sử dụng con dấu của hộ kinh doanh với mục đích cung cấp thông tin và không thực hiện chức năng như con dấu của pháp nhân trong việc kinh doanh, giao dịch.