Trả lời:
Nhãn hiệu mà công ty B sử dụng có dấu hiệu tương tự đến mức gây nhầm lẫn chỉ khác về màu sắc và phông chữ với nhãn hiệu mà công ty A đang sử dụng. Hai công ty này sử dụng hai nhãn hiệu cùng trong lĩnh vực đồ ăn nhanh. Do đó, công ty B đã có hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, cụ thể như sau:
“c) Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ”
Trước hết, bạn có thể thực hiện gửi thư khuyến cáo, cảnh báo về hành vi vi phạm nhãn hiệu của bạn tới Công ty B, đề nghị họ phải chấm dứt hành vi vi phạm và đền bù thiệt hại ngay lập tức, nếu không thực hiện thì sẽ gửi công văn đề nghị xử lý hành vi vi phạm tới cơ quan có thẩm quyền.
Nếu như công ty này vẫn không có động thái hợp tác thì lúc này bạn nên gửi một công văn có nội dung tố cáo, kiến nghị xử lý tới các cơ quan có thẩm quyền chẳng hạn như: Cục sở hữu trí tuệ, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Công an kinh tế hoặc cơ quan quản lý thị trường,.... Các cơ quan này sẽ căn cứ các quy định pháp luật mà có biện pháp xử lý hành chính phù hợp với tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi vi phạm.
Việc xử lí hành vi xâm phạm nhãn hiệu được quy định tại Nghị định 99/2013/NĐ-CP ngày 29/08/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp như sau:
“Điều 11. Xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây vì mục đích kinh doanh trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm đến 3.000.000 đồng:
a) Bán; chào hàng; vận chuyển, kể cả quá cảnh; tàng trữ; trưng bày để bán hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp;
b) Đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện hành vi quy định tại Điểm a Khoản này.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ trên 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
3. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
4. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ trên 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.....”
Nếu hành vi có tính chất nghiêm trọng hơn thì công ty B còn có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 226 Bộ luật Hình sự năm 2015, mức án cao nhất cho hành vi này lên tới 05 năm tù giam đối với cá nhân; phạt tiền và cấm kinh doanh, hoạt động, huy động vốn trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm đối với pháp nhân.
Trên đây là nội dung tư vấn dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!