Góp vốn điều lệ sai hình thức bị xử phạt như thế nào?

Câu hỏi:

Xin hỏi LuatVietnam: Công ty tôi (Công ty TNHH 2TV) là doanh nghiệp FDI với một nhà đầu nước ngoài chiếm 40% vốn điều lệ. Tại thời điểm thành lập (2018), nhà đầu tư nước ngoài đã góp vốn điều lệ thông qua tài khoản vốn mở tại ngân hàng thương mại, nhưng 2 nhà đầu tư Việt Nam lại chỉ nộp tiền mặt vào công ty bằng phiếu thu (sau đó nộp vào tài khoản ngân hàng của công ty để phục vụ hoạt động của công ty). Tôi biết việc 2 nhà đầu tư góp vốn điều lệ như vậy là sai hình thức, nhưng thực chất vẫn đã góp bằng tiền mặt rồi. Vậy, có cách nào để hợp thức hóa việc này không ạ? Nếu không thì công ty tôi sẽ bị xử phạt như thế nào ạ? Xin cảm ơn!

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 222/2013/NĐ-CP về thanh toán bằng tiền mặt và Điều 3 Thông tư 09/2015/TT-BTC hướng dẫn giao dịch tài chính của doanh nghiệp theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 222/2013/NĐ-CP ngày 31/12/2013 của Chính phủ về thanh toán bằng tiền mặt thì:

1. Các doanh nghiệp không sử dụng tiền mặt (tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành) để thanh toán khi thực hiện các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác.

2. Khi thực hiện giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác, các doanh nghiệp sử dụng các hình thức sau:

a) Thanh toán bằng Séc;

b) Thanh toán bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền;

c) Các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt phù hợp khác theo quy định hiện hành.

Căn cứ vào các quy định nêu trên, việc không được góp vốn bằng tiền mặt chỉ bắt buộc với nhà đầu tư là doanh nghiệp.

Như vậy xét trường hợp công ty bạn, nếu hai nhà đầu tư Việt Nam là cá nhân khi góp vốn vào các doanh nghiệp thì có thể góp bằng tiền mặt, không có quy định bắt buộc góp vốn phải qua tài khoản ngân hàng.

Tuy nhiên nếu hai nhà đầu tư Việt Nam là doanh nghiệp thì việc góp vốn bằng tiền mặt là vi phạm quy định về góp vốn như đã đề cập đến ở trên.

Trường hợp này công ty bạn sẽ bị xử phạt theo Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, cụ thể là sẽ bị phạt tiền từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định thanh toán bằng tiền mặt.

Để tránh tình trạng bị xử phạt trong thời hạn góp vốn là 90 ngày theo quy định tại khoản 2, Điều 48, Luật Doanh nghiệp 2014 thì nhà đầu tư Việt Nam là doanh nghiệp nên rút lại khoản tiền đã góp bằng tiền mặt sau đó chuyển khoản vào tài khoản vốn của công ty theo đúng quy định để tránh tình trạng bị xử phạt theo quy định trên.

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: tuvan@luatvietnam.vn
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY