Trả lời:
Mua bán hàng hóa là các giao dịch được pháp luật công nhận và bảo vệ theo quy định. Theo đó pháp luật tôn trọng các thỏa thuận không trái với các quy định của pháp luật của các bên tham gia giao dịch. Bởi vậy, trong trường hợp của bạn cần phải xem xét hợp đồng (hoặc thỏa thuận) của bạn với bên bán quy định như thế nào về chất lượng, số lượng....đối với sản phẩm giao dịch.
Trong trường hợp có thỏa thuận về các vấn đề của sản phẩm, bảo hành sản phẩm thì các bên phải tuân thủ toàn bộ các nội dung đã thỏa thuận. Theo đó, Bên bán hàng hóa phải có trách nhiệm về mọi khiếm khuyết về sản phẩm (theo quy định khoản 2 Điều 40 Luật Thương mại năm 2005) và có nghĩa vụ khắc phục các vấn đề về hàng hóa (theo quy định tại Điều 41 Luật Thương mại năm 2005).
Nhưng nếu không có thỏa thuận thì các bên có thể áp dụng quy định của pháp luật quy định về trường hợp này. Cụ thể, theo Điều 432 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về Chất lượng của tài sản mua bán được xác định như sau:
“1. Chất lượng của tài sản mua bán do các bên thỏa thuận.
2. Trường hợp tiêu chuẩn về chất lượng của tài sản đã được công bố hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì thỏa thuận của các bên về chất lượng của tài sản không được thấp hơn chất lượng của tài sản được xác định theo tiêu chuẩn đã công bố hoặc theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Khi các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng về chất lượng tài sản mua bán thì chất lượng của tài sản mua bán được xác định theo tiêu chuẩn về chất lượng của tài sản đã được công bố, quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc theo tiêu chuẩn ngành nghề.
Trường hợp không có tiêu chuẩn về chất lượng của tài sản đã được công bố, quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tiêu chuẩn ngành nghề thì chất lượng của tài sản mua bán được xác định theo tiêu chuẩn thông thường hoặc theo tiêu chuẩn riêng phù hợp với mục đích giao kết hợp đồng và theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.
Do đó, bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu Bên bán phải có trách nhiệm đổi trả các linh kiện hỏng hóc lấy linh kiện đảm bảo chất lượng, đồng bộ.
Ngoài ra, bạn cũng có thể thỏa thuận với doanh nghiệp A về việc đổi lô hàng khác. Nếu doanh nghiệp A không đồng ý, bạn có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền nơi doanh nghiệp A đặt trụ sở chính để giải quyết tranh chấp và yêu cầu bồi thường thiệt hại theo đúng quy định của pháp luật.