Trả lời:
I. Căn cứ pháp lý
- Luật thi hành án dân sự năm 2008
II. Nội dung tư vấn của luật sư
Theo như thông tin mà bạn cung cấp, thì giữa gia đình bạn và ông X đang phát sinh quan hệ về hợp đồng vay nợ tài sản, ở đây là tiền mặt.
Theo quy định tại Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau:
Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay
1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
2. Trong trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
Do hợp đồng vay tiền giữa 02 bên không có thoả thuận về thời hạn vay, cho nên trong trường hợp bạn muốn ông X thực hiện nghĩa vụ thanh toán đầy đủ khoản nợ cho nhà bạn thì bạn cần phải thông báo cho ông X thu xếp thanh toán đầy đủ trong một khoảng thời gian hợp lý (có thể từ 03-06 tháng), sau khi hết thời hạn trên mà ông X vẫn không thanh toán đầy đủ khoản nợ cho nhà bạn, thì bạn có quyền yêu cầu nộp đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền để tòa án thụ lý giải quyết yêu cầu trên của nhà bạn.
Về vấn đề lãi suất theo quy định tại điều 468 Bộ luật dân sự 2015 có quy định:
Điều 468. Lãi suất
1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.
Trong trường hợp của bạn vì thoả thuận về lãi suất với ông X không được thể hiện trong giấy vay tiền nhưng lại thoả thuận miệng và thực tế ông X cũng đã trả lãi cho nhà bạn trong năm đầu tiên kể từ khi vay món đầu tiên (500 triệu đồng) như vậy bạn cũng có căn cứ để chứng minh cho việc ông X phải trả lãi cho nhà bạn “theo lãi suất của ngân hàng các năm”. Như vậy trong trường hợp này bạn có quyền yêu cầu Tòa án nhân dân cấp quận/huyện nơi cư trú của ông X phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán đầy đủ khoản nợ gốc và khoản lãi phát sinh theo thoả thuận giữa gia đình bạn và ông X.
Sau khi có bản án hoặc quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, nguyên đơn có quyền nộp đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thực hiện việc thi hành án buộc người vay tiền phải trả tiền.
Về việc ông X không có khả năng trả được nợ nếu ông X có tài sản là ngôi nhà (ngôi nhà có đứng tên ông X), thì cơ quan thi hành án dân sự sẽ được quyền kê biên ngôi nhà của ông X để thực hiện việc thi hành án, căn cứ theo Luật Thi hành án dân sự 2008 buộc ông X phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ cho gia đình bạn.
Xem thêm: Khi nào được giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại?
Trên đây là nội dung tư vấn về "Giải quyết tranh chấp nội dung thỏa thuận ngoài hợp đồng?" dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!