Công ty được phép chấm dứt hợp đồng với nhân viên vì dịch Covid 19?

Câu hỏi:

Em xin chào Luật Sư! Luật sư cho em hỏi nếu người lao động thuộc phải cách ly vì vì dịch covid thì người sử dụng lao động phải trả họ lương hàng tháng hay không và mức trả hỗ trợ đó là mức lương tối thiểu vùng hay 50% của mức lương tối thiểu vùng? Còn những người lao động vì lo lắng không nằm trong diện phải cách ly mà họ sợ nên không đi làm dù đã được Doanh nghiệp bảo đi làm thì doanh nghiệp có được cho họ nghỉ việc không ạ?

Trả lời:

1. Về mức lương trong thời gian ngừng việc để thực hiện cách ly vì dịch covid

Theo quy định tại Bộ luật Lao động năm 2012 và Công văn số 1064/LĐTBXH-QHLĐTL ngày 25 tháng 03 năm 2020 của Bộ lao động thương binh và xã hội về việc  hướng dẫn trả lương ngừng việc và giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc liên quan đến dịch bệnh Covid-19 thì đối với trường hợp người lao động phải ngừng việc do tác động trực tiếp của dịch Covid-19 như người lao động phải ngừng việc trong thời gian thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền thì tiền lương của người lao động trong thời gian ngừng việc thực hiện theo khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động năm 2012.

Theo đó, vì các nguyên nhân khách quan khác như dịch bệnh nguy hiểm, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Như vậy, trường hợp của bạn là ngừng việc để thực hiện cách lý theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền do dịch Covid-19 sẽ do bạn (người lao động) và người sử dụng lao động thỏa thuận. Mức lương được hưởng sẽ không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Như vậy bạn được thỏa thuận với người lao động mức lương bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng trong thời gian ngừng việc do phải thực hiện cách ly vì dịch bệnh Covid-19.

2. Về việc chấm dứt hợp đồng lao động do người lao động nghỉ việc do Covid-19

Trường hợp người lao động vì lo lắng không nằm trong diện phải cách ly mà họ sợ nên không đi làm dù doanh nghiệp bảo đi làm thì người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động xin tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 32 Bộ luật Lao động năm 2012.

Thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 33 Bộ luật Lao động năm 2012 và Điều 10 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động (Nghị định 05/2015/NĐ-CP). Người sử dụng lao động nhận lại người lao động khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động như sau:

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động, người lao động phải có mặt tại nơi làm việc và người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc. Trường hợp người lao động không thể có mặt tại nơi làm việc theo đúng thời hạn quy định thì người lao động phải thỏa thuận với người sử dụng lao động về thời điểm có mặt.

Nếu sau thời gian này mà người lao động không có mặt để đi làm, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 38 Bộ luật Lao động năm 2012 và Điều 12 Nghị định 05/2015/NĐ-CP.

Theo đó, người sử dụng lao động có cơ sở đánh giá người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động do Covid-19 là sự kiện bất khả kháng tác động lên cả người sử dụng lao động mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục (gồm cho người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động) nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc làm. Đây là cơ sở cho việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động trong trường hợp này.

Do đó, trong trường hợp này người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động.

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: tuvan@luatvietnam.vn
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY