Trả lời:
I. Căn cứ pháp lý
- Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014;
- Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020;
- Nghị định số 115/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc.
II. Nội dung tư vấn
Căn cứ điểm g, khoản 1, Điều 2, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về các đối tượng đóng BHXH bắt buộc như sau:
“1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
[…]
g) Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; …”
Đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ được hưởng các quyền lợi về Bảo hiểm xã hội quy định tại khoản 1, Điều 6 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng như sau:
“Điều 6. Quyền, nghĩa vụ của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
c) Hưởng tiền lương, tiền công, chế độ khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn lao động và quyền lợi, chế độ khác theo hợp đồng lao động; chuyển về nước tiền lương, tiền công, thu nhập, tài sản hợp pháp khác của cá nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận lao động;
g) Không phải đóng bảo hiểm xã hội hoặc thuế thu nhập cá nhân hai lần ở Việt Nam và ở nước tiếp nhận lao động nếu Việt Nam và nước đó đã ký hiệp định về bảo hiểm xã hội hoặc hiệp định tránh đánh thuế hai lần;
h) Nộp thuế, tham gia bảo hiểm xã hội, hình thức bảo hiểm khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận lao động;”
Phương thức đóng BHXH bắt buộc với người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo điểm b khoản 2 Điều 85, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
- Phương thức đóng được thực hiện 3 tháng, 06 tháng, 12 tháng một lần hoặc đóng trước một lần theo thời hạn ghi trong hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Người lao động đóng trực tiếp cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cư trú của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài hoặc đóng qua doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
- Trường hợp đóng qua doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thì doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp thu, nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động và đăng ký phương thức đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
- Trường hợp người lao động được gia hạn hợp đồng hoặc ký hợp đồng lao động mới ngay tại nước tiếp nhận lao động thì thực hiện đóng bảo hiểm xã hội theo phương thức quy định tại Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 hoặc truy nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội sau khi về nước.
Như vậy, đối với trường hợp của bạn, khi bạn đi làm việc ở nước ngoài theo diện xuất khẩu lao động, bạn vẫn được tham gia đóng BHXH tại Việt Nam theo quy định của pháp luật. Thời gian đóng BHXH khi bạn làm việc ở nước ngoài vẫn được cộng dồn vào thời gian bạn đã đóng BHXH. Trường hợp bạn tham gia đóng BHXH đầy đủ, bạn sẽ được hưởng đầy đủ các quyền lợi, chế độ của BHXH giống người lao động ở Việt Nam theo quy định của pháp luật hiện hành.
Xem thêm: Lương 10 triệu đóng bảo hiểm bao nhiêu? Tương lai nhận lương hưu thế nào?
Trên đây là nội dung tư vấn về "Đóng BHXH cho người Việt Nam đi làm ở nước ngoài" dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!