Trả lời:
Theo khoản 1 Điều 194 Luật Doanh nghiệp 2020:
‘’Tập đoàn kinh tế, tổng công ty thuộc các thành phần kinh tế là nhóm công ty có mối quan hệ với nhau thông qua sở hữu cổ phần, phần vốn góp hoặc liên kết khác. Tập đoàn kinh tế, tổng công ty không phải là một loại hình doanh nghiệp, không có tư cách pháp nhân, không phải đăng ký thành lập theo quy định của Luật này.”
Ngoài ra, tại khoản 2 Điều này cũng khẳng định:
‘’Tập đoàn kinh tế, tổng công ty có công ty mẹ, công ty con và các công ty thành viên khác. Công ty mẹ, công ty con và mỗi công ty thành viên trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty có quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp độc lập theo quy định của pháp luật.’’
Như vậy, các công ty con trong một tập đoàn là một pháp nhân độc lập, có tài sản riêng, có bộ máy điều hành quản lý riêng và tự chịu trách nhiệm về các khoản nợ cũng như các nghĩa vụ tài sản của mình.
Công ty C có được đòi lại khoản nợ của mình sau khi công ty B đã giải thể không?
Theo khoản 2 Điều 207 Luật Doanh nghiệp 2020 về điều kiện giải thể doanh nghiệp:
“Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài. Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp.”
Như vậy, công ty chỉ được giải thể khi thanh toán hết các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác. Nếu trên thực tế công ty đã giải thể, như vậy là công ty này đã có hành vi cố tình không kê khai các khoản nợ chưa thanh toán khi làm hồ sơ giải thể nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Do đó, hồ sơ giải thể không đảm bảo tính trung thực và tính chính xác. Điều 210 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:
‘’2. Thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần, thành viên Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, chủ sở hữu công ty, chủ doanh nghiệp tư nhân, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, thành viên hợp danh, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của hồ sơ giải thể doanh nghiệp.
3. Trường hợp hồ sơ giải thể không chính xác, giả mạo, những người quy định tại khoản 2 Điều này phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán quyền lợi của người lao động chưa được giải quyết, số thuế chưa nộp, số nợ khác chưa thanh toán và chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về những hệ quả phát sinh trong thời hạn 05 năm kể từ ngày nộp hồ sơ giải thể doanh nghiệp đến Cơ quan đăng ký kinh doanh.’’
Chủ nợ có thể yêu cầu doanh nghiệp thanh toán toàn bộ khoản nợ cho mình. Trường hợp doanh nghiệp không chịu thanh toán, chủ nợ có thể khởi kiện đến Toà án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Khi đó mặc dù công ty đã có quyết định giải thể nhưng những người giữ chức danh như trên sẽ có tư cách là bị đơn nếu vụ việc được Toà án thụ lý giải quyết.
Như vậy, mặc dù Công ty A, B, C là những đơn vị trong cùng tập đoàn nhưng đều có tư cách pháp nhân độc lập, do đó các công ty này có quyền, nghĩa vụ pháp lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp Công ty B không trả nợ cho Công ty C thì Công ty C có quyền khởi kiện Công ty B tại Toà án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết. Thủ tục khởi kiện vụ án đòi nợ được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Xem thêm: Có đòi được nợ khi doanh nghiệp đã giải thể?
Trên đây là nội dung tư vấn dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006199 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!