Trả lời:
1. Ngoại hối là gì?
Theo quy định khoản 2, Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 về ngoại hối như sau:
Điều 6. Giải thích từ ngữ
[...]
2. Ngoại hối bao gồm:
a) Đồng tiền của quốc gia khác hoặc đồng tiền chung châu Âu và đồng tiền chung khác được sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu vực (sau đây gọi là ngoại tệ);
b) Phương tiện thanh toán bằng ngoại tệ, gồm séc, thẻ thanh toán, hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ và các phương tiện thanh toán khác;
c) Các loại giấy tờ có giá bằng ngoại tệ, gồm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu và các loại giấy tờ có giá khác;
d) Vàng thuộc Dự trữ ngoại hối nhà nước, trên tài khoản ở nước ngoài của người cư trú; vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng trong trường hợp mang vào và mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam;
đ) Đồng tiền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp chuyển vào và chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc được sử dụng trong thanh toán quốc tế.
Dựa vào căn cứ nêu trên thì ngoại tệ cũng là một hình thức của ngoại hối. Ngoài ngoại tệ thì ngoại hối còn bao gồm các thành phần khác như quy định trên.
2. Các trường hợp nào được xuất hóa đơn bằng ngoại tệ?
Điều 4 Thông tư số 32/2013/TT-NHNN (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 03/2019/TT-NHNN) quy định các trường hợp được xuất hóa đơn bằng ngoại tệ như sau:
- Bán hàng hóa cho doanh nghiệp chế xuất (không gồm cung cấp dịch vụ);
- Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp nước ngoài;
- Doanh nghiệp nhận ủy thác xuất, nhập khẩu;
- Doanh nghiệp bảo hiểm đối với hàng hóa, dịch vụ phải mua tái bảo hiểm ở nước ngoài;
- Chi phí ngoài nước liên quan đến việc thực hiện gói thầu thông qua đấu thầu quốc tế/gói thầu dầu khí;
- Kinh doanh hàng miễn thuế bán trong cửa hàng miễn thuế;
- Cung ứng dịch vụ ở khu cách ly tại các cửa khẩu quốc tế, tổ chức kinh doanh kho ngoại quan;
- Doanh nghiệp chế xuất bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp nước ngoài;
- Doanh nghiệp chế xuất bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp chế xuất khác.
Như vậy, dựa vào thông tin bạn cung cấp thì doanh nghiệp của bạn sẽ được xuất hóa đơn bằng ngoại tệ.
3. Tỷ giá ngoại tệ ghi trên hóa đơn được xác định như thế nào?
Điểm c, khoản 13, Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định nội dung như sau:
Điều 10. Nội dung của hóa đơn
[...]
13. Chữ viết, chữ số và đồng tiền thể hiện trên hóa đơn
[…]
c) Đồng tiền ghi trên hóa đơn là Đồng Việt Nam, ký hiệu quốc gia là “đ”.
- Trường hợp nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh bằng ngoại tệ theo quy định của pháp luật về ngoại hối thì đơn giá, thành tiền, tổng số tiền thuế giá trị gia tăng theo từng loại thuế suất, tổng cộng tiền thuế giá trị gia tăng, tổng số tiền thanh toán được ghi bằng ngoại tệ, đơn vị tiền tệ ghi tên ngoại tệ. Người bán đồng thời thể hiện trên hóa đơn tỷ giá ngoại tệ với đồng Việt Nam theo tỷ giá theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Mã ký hiệu ngoại tệ theo tiêu chuẩn quốc tế (ví dụ: 13.800,25 USD - Mười ba nghìn tám trăm đô la Mỹ và hai mươi nhăm xu, ví dụ: 5.000,50 EUR- Năm nghìn ơ-rô và năm mươi xu).
- Trường hợp bán hàng hóa phát sinh bằng ngoại tệ theo quy định của pháp luật về ngoại hối và được nộp thuế bằng ngoại tệ thì tổng số tiền thanh toán thể hiện trên hóa đơn theo ngoại tệ, không phải quy đổi ra đồng Việt Nam.
[…]
Theo đó, trường hợp được xuất hóa đơn bằng ngoại tệ thì đơn giá, thành tiền, tổng số tiền thuế giá trị gia tăng theo từng loại thuế suất, tổng cộng tiền thuế giá trị gia tăng, tổng số tiền thanh toán được ghi bằng ngoại tệ, đơn vị tiền tệ ghi tên ngoại tệ. Ngoài ra, người bán phải ghi tỷ giá ngoại tệ so với đồng Việt Nam trên hóa đơn.
Trên đây là căn cứ pháp lý và một số lưu ý để doanh nghiệp của bạn xem xét trong việc xuất hóa đơn ngoại tệ.
Xem thêm: Hóa đơn đỏ là gì? 4 quy định quan trọng về xuất hóa đơn đỏ
Trên đây là nội dung tư vấn về "Doanh nghiệp có được xuất hóa đơn ngoại tệ không?" dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!