Trả lời:
1. Điều kiện tách thửa
Để được tách thửa thì diện tích thửa đất còn lại và thửa đất mới sau khi tách thửa phải bằng hoặc lớn hơn diện tích tối thiểu và không thuộc trường hợp không được tách thửa, cụ thể:
Thứ nhất, phải bằng hoặc lớn hơn diện tích tối thiểu
Khoản 3 Điều 29 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định:
"Trường hợp người sử dụng đất xin tách thửa đất thành thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu đồng thời với việc xin được hợp thửa đất đó với thửa đất khác liền kề để tạo thành thửa đất mới có diện tích bằng hoặc lớn hơn diện tích tối thiểu được tách thửa thì được phép tách thửa đồng thời với việc hợp thửa và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho thửa đất mới".
Do bạn không cung cấp rõ thông tin về thửa đất như vị trí thửa đất, dự định tách phần đất ở (100m2) hay đất trồng cây lâu năm (3.900m2) nên chúng tôi thông tin tới bạn như sau:
Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 4 và khoản 3 Điều 5 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 32/2014/QĐ-UBND ngày 21/12/2014 của UBND tỉnh Khánh Hòa, diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với đất ở nông thôn và đất trồng cây lâu năm như sau:
Vị trí thửa đất | Diện tích tối thiểu | Kích thước thửa đất |
Đất ở nông thôn | ||
Thửa đất tiếp giáp đường quốc lộ, tỉnh lộ, hương lộ, liên thôn, liên xã | ≥ 45 m2 | - Bề rộng của thửa đất ≥ 05 m. - Chiều sâu của thửa đất ≥ 05 m. |
Các khu vực khác còn lại | ≥ 60 m2 | - Bề rộng của thửa đất ≥ 05 m. - Chiều sâu của thửa đất ≥ 05 m. |
Đất trồng cây lâu năm | ||
- Vùng tập trung | 1.000 m2 | Không yêu cầu |
- Vùng phân tán | 200 m2 | Không yêu cầu |
Thứ hai, không thuộc các trường hợp không được phép tách thửa
Theo khoản 2 Điều 49 Luật Đất đai 2013 (được sửa bổi, bổ sung bởi Khoản 1 Điều 6 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật liên quan đến quy hoạch 2018) quy định:
“Trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật
Trường hợp đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo kế hoạch được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất nhưng không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm; nếu người sử dụng đất có nhu cầu cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình hiện có thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật”.
Mặt khác, theo khoản 1 Điều 3 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 32/2014/QĐ-UBND, thửa đất xin tách thửa đã có quyết định thu hồi đất hoặc có văn bản về chủ trương thu hồi đất hoặc văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật đất đai thì không được tách thửa.
Như vậy, dù thuộc quy hoạch nhưng chưa có quyết định thu hồi đất hoặc có văn bản về chủ trương thu hồi đất hoặc văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật đất đai thì vẫn được phép tách thửa.
2. Được quyền khiếu nại khi có căn cứ
Khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại 2011 quy định:
"Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình".
Như vậy, chỉ khi có căn cứ cho rằng hành vi hành chính về quản lý đất đai (hành vi từ chối tách thửa) là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì được thực hiện quyền khiếu nại.