Trả lời:
Để có thể thành lập xưởng sản xuất nước lọc tinh khiết thì chủ sở hữu cần đáp ứng được hai điều kiện kinh doanh sản xuất nước tinh khiết sau đây:
- Thứ nhất, có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có đăng ký kinh doanh ngành nghề phù hợp;
- Thứ hai, có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm
Điều kiện thứ nhất: Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phù hợp
Trong trường hợp chủ sở hữu chỉ muốn mở một xưởng sản xuất nước lọc tinh khiết tại địa phương, kinh doanh lâu dài và không muốn mở rộng ra nhiều địa điểm khác thì đăng ký kinh doanh với mô hình hộ kinh doanh là phù hợp.
Với mô hình này thì sẽ chỉ đăng ký kinh doanh tại một địa phương duy nhất, sử dụng tối đa là 10 lao động với ưu thế là việc kê khai báo cáo thuế phí đơn giản, lệ phí môn bài hàng năm cũng thấp nhất.
Trong trường hợp chủ sở hữu muốn ban đầu mở một xưởng sản xuất nước lọc tinh khiết để thử nghiệm mô hình, khi đạt được hiệu quả thì sẽ nhân rộng trên phạm vi các địa phương khác thì việc đăng ký thành lập doanh nghiệp là rất cần thiết.
Hiện nay tại Việt Nam đang có 5 loại hình doanh nghiệp đang tồn tại, gồm:
- Công ty TNHH 1 TV
- Công ty TNHH 2 TV
- Công ty cổ phần
- Doanh nghiệp tư nhân
- Công ty hợp danh
Sự khác nhau cơ bản giữa các loại hình doanh nghiệp trên đó là quy trình quản lý, số lượng thành viên và việc chịu trách nhiệm (vô hạn, hữu hạn) trước các khoản nợ.
Vì vậy việc lựa chọn sẽ phụ thuộc sở thích của chủ sở hữu sau khi tìm hiểu sâu vào các loại hình. Lợi thế của thành lập công ty so với hộ kinh doanh đó là được sử dụng không giới hạn lao động và dễ dàng mở rộng phạm vi bằng cách lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh trên phạm vi toàn quốc.
Có đăng ký kinh doanh là điều bắt buộc để bắt đầu xin phép kinh doanh xưởng nước lọc. Nếu không có giấy phép kinh doanh thì không thể thực hiện xin cấp phép vệ sinh an toàn thực phẩm.
Điều kiện thứ hai: Được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm
Sau khi có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm thì cần phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Trước tiên cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, gồm các giấy tờ sau theo Điều 36 Luật An toàn thực phẩm 2010:
- Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (theo mẫu 01 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 155/2018/NĐ-CP);
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh thực phẩm ;
- Văn bản thuyết minh về sơ sở vật chất, dụng cụ, trang thiết bị chứng minh chúng đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm gồm có:
+ Sơ đồ bản vẽ thiết kế mặt bằng của cơ sở cũng như các khu vực xung quanh;
+ Sơ đồ diễn giải quy trình sản xuất thực phẩm, bảo quản, phân phối và bản thuyết minh về trang thiết bị, công cụ dụng cụ, cơ sở vật chất;
- Giấy chứng nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm của chủ cơ sở với người sản xuất trực tiếp;
- Ngoài ra cần có các loại giấy tờ khác nữa như: Giấy chứng nhận đủ sức khỏe; phiếu báo cáo kết quả cấy phân âm tính mầm bệnh gây các bệnh đường ruột đối với những vùng có dịch bệnh của cả chủ cơ sở và người sản xuất.
Để thực hiện xin giấy phép này thì bạn sẽ cần thực hiện theo những bước như sau:
Bước 1: Chuẩn bị đủ điều kiện theo quy định pháp luật (Bao gồm điều kiện về nhà xưởng, điều kiện về máy móc, nhân sự, vệ sinh, sức khỏe…);
Bước 2: Tiến hành đăng ký kinh doanh theo hình thức đã lựa chọn:
- Tại UBND cấp quận, huyện trong trường hợp thành lập hộ kinh doanh;
- Tại Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.
Bước 3: Sau khi có Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh/ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, soạn thảo hồ sơ đầy đủ để xin cấp giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm (theo hướng dẫn phía trên);
Bước 4: Nhận kết quả và tiến hành hoạt động kinh doanh.