Trả lời:
Chất thải rắn công nghiệp thông thường là chất thải rắn phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không thuộc danh mục chất thải nguy hại và không thuộc danh mục chất thải công nghiệp phải kiểm soát có yếu tố nguy hại vượt ngưỡng chất thải nguy hại.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 82 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020:
“Điều 82. Xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường
[…]
2. Cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường phải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của Luật này.”
Theo đó, quy định tại Điều 32 Nghị định 38/2015/NĐ-CP và khoản 15 Điều 3 Nghị định 40/2019/NĐ-CP thì cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường phải đáp ứng đủ các điều kiện và yêu cầu sau đây:
- Báo cáo đánh giá tác động môi trường: có báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đối với dự án đầu tư cơ sở xử lý chất thải.
- Các hệ thống, thiết bị xử lý (kể cả sơ chế, tài chế, đồng xử lý, thu hồi năng lượng), bao bì, thiết bị lưu chứa, khu vực lưu giữ tạm thời hoặc tạm trung chuyển, phương tiện vận chuyển (nếu có) phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định.
- Địa điểm của cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường phải phù hợp với quy hoạch bảo vệ môi trường, quy hoạch tỉnh.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác nhận hoặc điều chỉnh xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường thuộc thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của địa phương và cơ sở chỉ tiếp nhận các chủ nguồn thải trên địa bàn nội tỉnh.
Hiện nay, đối với chất thải rắn công nghiệp thông thường thì nhà nước không yêu cầu giấy phép đăng ký thành lập cơ sở xử lý chất thải thông thường đối với loại hình này.
Cũng như chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp thông thường không thuộc nhóm chất thải nguy hại, yếu tố nguy hại cũng dưới mức ảnh hưởng đến sức khỏe, do đó mà nhà nước hạn chế tối đa các thủ tục không cần thiết đối với đối tượng xử lý loại chất thải này.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 11 Điều 21, khoản 1 Điều 33 Nghị định 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu thì cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường phải được cơ quan có thẩm quyền xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường.
Xem thêm: Điều kiện kinh doanh dịch vụ xử lý rác thải
Trên đây là nội dung tư vấn cho câu hỏi “Điều kiện khi xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường“ dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!