Điều kiện để mở phòng khám y học cổ truyền mới nhất

Câu hỏi:

Xin hỏi LuatVietnam: Tôi là lao động tự do có bằng hệ cao đẳng ngành dược. Gần đây, tôi có chế ra một số bài thuốc từ thảo dược chữa được các bệnh xương khớp. Vậy, tôi muốn hành nghề y với những bài thuốc này không? Cần những điều kiện gì? Xin cảm ơn.

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 17 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 thì muốn hành nghề khám bệnh chữa bệnh cần có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và đăng ký hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Trường hợp như bạn đã nêu mà muốn đăng ký hành nghề khám bệnh, chữa bệnh phải đáp ứng các điều kiện về người có bài thuốc gia truyền hoặc điều kiện để được công nhận là lương y và thực hiện các thủ tục sau:

(1a) Xin cấp giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền hoặc giấy chứng nhận lương y.

(1b) Xin cấp chứng chỉ hành nghề, khám bệnh chữa bệnh với tư cách người có bài thuốc gia truyền, lương y.

(2a) Đăng ký hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại một cơ sở khám chữa bệnh.

(2b) hoặc đăng ký hoạt động đối với cơ sở khám bệnh chữa bệnh là phòng chẩn trị y học cổ truyền.

Cụ thể như sau:

(1a) Xin cấp giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền hoặc giấy chứng nhận lương y

Về giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền

Theo quy định tại Điều 7 Quyết định số 39/2007/QĐ-BYT ngày 12/11/2007 Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành quy chế xét duyệt cấp “Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền” thì Người đề nghị cấp Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền chuẩn bị hồ sơ theo quy định, nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người đó cư trú.

Thành phần hồ sơ gồm có:

- Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền. Đơn có xác nhận của Chi hội Đông y, Trạm y tế và UBND xã, phường, thị trấn nơi người có bài thuốc cư trú.

- Sơ yếu lý lịch ghi rõ quá trình hoạt động chuyên môn về y học cổ truyền của dòng tộc, gia đình và bản thân (có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú).

- Bản giải trình về bài thuốc gia truyền, trong đó phải ghi rõ:

+ Xuất xứ của bài thuốc qua các đời trong dòng tộc, gia đình, nơi đã sử dụng bài thuốc để điều trị;

+ Công thức của bài thuốc (ghi rõ tên từng vị, liều lượng);

+ Cách gia giảm (nếu có);

+ Cách bào chế;

+  Dạng thuốc;

+ Cách dùng, đường dùng;

+ Liều dùng;

+ Chỉ định và chống chỉ định.

-  Tư liệu chứng minh hiệu quả điều trị của bài thuốc.

+ Sổ theo dõi người bệnh (có ghi đầy đủ họ tên, tuổi, giới tính, địa chỉ, nghề nghiệp, chẩn đoán, kết quả điều trị và thời gian điều trị).

+ Danh sách người bệnh (tối thiểu từ 100 người trở lên) ở trong vùng, địa phương gần nhất đã điều trị có hiệu quả trong thời gian gần nhất (gồm: Họ tên, tuổi, giới tính, địa chỉ, nghề nghiệp, chẩn đoán, kết quả điều trị và thời gian điều trị).

- Văn bản xác nhận được quyền thừa kế bài thuốc đó theo quy định của pháp luật hiện hành, được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận) hoặc công chứng chứng thực;

- Giấy khám sức khỏe do bệnh viện từ cấp quận, huyện trở lên cấp;

- Hai ảnh cỡ 4 x 6 cm, chụp kiểu chứng minh thư nhân dân.

 

Về giấy chứng nhận lương y

Theo quy định tại Thông tư 29/2015/TT-BYT quy định cấp, cấp lại giấy chứng nhận lương y ngày 12 tháng 10 năm 2015 của Bộ Y tế thì Người đề nghị cấp Giấy chứng nhận lương y phải đáp ứng đủ điều kiện và chuẩn bị hồ sơ theo quy định, nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với thành phần hồ sơ như sau:

- Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận là lương y

-  Sơ yếu lý lịch cá nhân có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, nơi cư trú (trong thời gian không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ);

- 02 ảnh màu cỡ 4 x 6 cm chụp trên nền trắng (trong thời gian không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ); + 02 phong bì có dán tem và ghi rõ họ tên, địa chỉ người nhận;

- Bản khai quá trình hành nghề có xác nhận bằng văn bản của Trưởng Trạm y tế xã.

- Bản sao có chứng thực các văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận tham dự các lớp bồi dưỡng về y học cổ truyền

 

(1b)Xxin cấp chứng chỉ hành nghề, khám bệnh chữa bệnh với tư cách người có bài thuốc gia truyền, lương y

Theo quy định tại Điều 17 Luật Khám bệnh chữa bệnh năm 2009 thì người xin cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh gồm lương y,  người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.

Cũng theo Điều 18 Luật Khám bệnh chữa bệnh năm 2009 thì điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề đối với lương y, người có bài thuốc gia truyền có một trong các văn bằng, giấy chứng nhận sau đây phù hợp với hình thức hành nghề khám bệnh, chữa bệnh:

- Có giấy chứng nhận là lương y hoặc người có bài thuốc gia truyền.

- Có giấy chứng nhận đủ sức khỏe để hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

- Không thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Đang trong thời gian bị cấm hành nghề, cấm làm công việc liên quan đến chuyên môn y, dược theo bản án, quyết định của Tòa án;

+ Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang trong thời gian chấp hành bản án hình sự, quyết định hình sự của tòa án hoặc quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;

+ Đang trong thời gian bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên có liên quan đến chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh; mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề đối với người Việt Nam theo Điều 5 Nghị định 109/2016/NĐ-CP quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (Nghị định 109/2016/NĐ-CP) gồm có:

- Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề;

- Bản sao hợp lệ văn bằng chuyên môn phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề là giấy chứng nhận là lương y hoặc người có bài thuốc gia truyền hoặc người có phương pháp chữa bệnh gia truyền do Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Giám đốc Sở Y tế cấp;

- Giấy chứng nhận đủ sức khỏe do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

- Phiếu lý lịch tư pháp;

- Sơ yếu lý lịch tự thuật có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi thường trú đối với những người xin cấp chứng chỉ hành nghề không làm việc cho cơ sở y tế nào tại thời điểm đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề;

- Hai ảnh màu 04 cm x 06 cm được chụp trên nền trắng trong thời gian không quá 06 tháng, tính đến ngày nộp đơn.

 

(2a) Đăng ký hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại một cơ sở khám chữa bệnh

Theo Điều 12 Nghị định 109/2016/NĐ-CP thì một trong những nguyên tắc đăng ký hành nghề là người hành nghề chỉ được làm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Do đó, bạn cần được đăng ký hành nghề theo văn bản đăng ký hành nghề với những nội dung đăng ký hành nghề theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định 109/2016/NĐ-CP như sau:

a) Địa điểm hành nghề: Ghi rõ tên, địa chỉ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi đăng ký hành nghề;

b) Thời gian hành nghề: Ghi cụ thể thời gian hành nghề: Giờ trong ngày, ngày trong tuần hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và bảo đảm hợp lý về thời gian đi lại giữa các địa điểm hành nghề của người hành nghề đã đăng ký quy định tại điểm a khoản này;

c) Chức danh, vị trí chuyên môn của người hành nghề: Danh sách người đăng ký hành nghề phải ghi rõ chức danh mà người hành nghề được phân công đảm nhiệm là người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật hoặc người phụ trách khoa hoặc vị trí chuyên môn đảm nhiệm khác của người hành nghề.

 

(2b) hoặc đăng ký hoạt động đối với cơ sở khám bệnh chữa bệnh là phòng chẩn trị y học cổ truyền

Theo khoản 1 Điều 14 Nghị định 109/2016/NĐ-CP việc đăng ký hành nghề do người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lập: Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đề nghị cấp giấy phép hoạt động thì việc đăng ký hành nghề cho người hành nghề được thực hiện cùng thời điểm cơ sở đề nghị cấp giấy phép hoạt động.

Theo khoản 3, khoản 4 Điều 11 Nghị định 155/2018/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ y tế thì các  hình thức tổ chức khám bệnh chữa bệnh cho trường hợp của bạn gồm: Phòng chẩn trị y học cổ truyền phải đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, trong đó nhân lực là lương y, người được cấp Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền hoặc là người được cấp Giấy chứng nhận phương pháp chữa bệnh gia truyền;

Hồ sơ cấp phép hoạt động theo Điều 43 Nghị định 109/2016/NĐ-CP như sau:

- Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động;

- Bản sao hợp lệ quyết định thành lập hoặc văn bản có tên của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân hoặc giấy chứng nhận đầu tư đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài;

- Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; người phụ trách bộ phận chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

- Danh sách đăng ký người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (bao gồm đăng ký người hành nghề và người làm việc chuyên môn y tế tại cơ sở nhưng không thuộc diện phải cấp chứng chỉ hành nghề) theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này;

- Bản kê khai cơ sở vật chất, thiết bị y tế, tổ chức và nhân sự của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định;

- Tài liệu chứng minh cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị y tế, tổ chức nhân sự phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của một trong các hình thức tổ chức quy định;

- Danh mục chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đề xuất trên cơ sở danh mục chuyên môn kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.

Trên đây là nội dung tư vấn dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!

Hoàng Tuấn Vũ

Được tư vấn bởi: Luật sư Hoàng Tuấn Vũ

Công ty luật TNHH Tuệ Anh

090 165 9868

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: [email protected]
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợi