Điều kiện cho thuê lại lao động mới nhất

Câu hỏi:

Xin hỏi LuatVietnam: Tôi là người lao động của công ty A. Thời gian gần đây, công ty của tôi có tiến hành việc cho thuê lao động cho các công ty khác. Tôi vừa nhận được quyết định của ban lãnh đạo công ty về việc đưa tôi sang công ty B làm việc theo thoả thuận giữa hai công ty. Vậy cho tôi hỏi, pháp luật có cho phép công ty điều chuyển nhân viên sang công ty khác. Nếu được phép thì khi điều chuyển, tôi có quyền và nghĩa vụ gì? Xin cảm ơn.

Trả lời:

Chào Anh/Chị,

Cảm ơn anh/chị đã tin tưởng lựa chọn chúng tôi để giải đáp vấn đề pháp lý anh/chị đang đang gặp phải.

Căn cứ vào yêu cầu của anh/chị, trên cơ sở thông tin, tài liệu do anh/chị cung cấp và quy định của pháp luật hiện hành tôi đưa ra ý kiến tư vấn như sau:

Khi nào được doanh nghiệp được cho thuê lại lao động?

Đối với trường hợp của anh/chị thì công ty A chỉ được phép chuyển anh/chị sang làm việc tại công ty B nếu như công ty A đã được cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động và không thuộc trong các trường hợp liệt kê ở Điều 21 Nghị định 55/2019/NĐ-CP, cụ thể:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 53 Bộ luật Lao động 2012 thì: “Cho thuê lại lao động là việc người lao động đã được tuyển dụng bởi doanh nghiệp được cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động sau đó làm việc cho người sử dụng lao động khác, chịu sự điều hành của người sử dụng lao động sau và vẫn duy trì quan hệ lao động với doanh nghiệp cho thuê lại lao động”.

Bên cạnh đó việc cho thuê lại lao động của công ty A sẽ không được thực hiện khi thuộc những trường hợp được quy định tại Điều 21 Nghị định 55/2019/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành khoản 3 Điều 54 Bộ luật Lao động về việc cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, việc ký quỹ và danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động. Cụ thể như sau:

“Điều 21. Các trường hợp không được cho thuê lại lao động

1. Doanh nghiệp cho thuê hoặc bên thuê lại lao động đang xảy ra tranh chấp lao động, đình công hoặc cho thuê lại lao động để thay thế người lao động đang trong thời gian thực hiện quyền đình công, giải quyết tranh chấp lao động.

2. Doanh nghiệp cho thuê không thỏa thuận cụ thể về trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động thuê lại với bên thuê lại lao động.

3. Không có sự đồng ý của người lao động thuê lại.

4. Thay thế người lao động bị cho thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp hoặc vì lý do kinh tế”

Như vậy, công ty A chỉ được phép chuyển anh/chị sang làm việc tại công ty B nếu như công ty A đã được cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động và không thuộc trong các trường hợp liệt kê ở trên.


Quyền và nghĩa vụ của người lao động thuê lại

Khi công ty A được phép điều chuyển anh/chị sang làm việc cho công ty B thì anh/chị sẽ có quyền và nghĩa vụ được quy định tại Điều 58 Bộ luật Lao động 2012, cụ thể như sau:

"Điều 58. Quyền và nghĩa vụ của người lao động thuê lại

1. Thực hiện công việc theo hợp đồng lao động đã ký với doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động.

2. Chấp hành nội quy lao động, kỷ luật lao động, sự điều hành hợp pháp và tuân thủ thỏa ước lao động tập thể của bên thuê lại lao động.

3. Được trả lương không thấp hơn tiền lương của những người lao động của bên thuê lại lao động có cùng trình độ, làm cùng công việc hoặc công việc có giá trị như nhau.

4. Khiếu nại với doanh nghiệp cho thuê lại lao động trong trường hợp bị bên thuê lại lao động vi phạm các thoả thuận trong hợp đồng cho thuê lại lao động.

5. Thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với doanh nghiệp cho thuê lại lao động theo quy định tại Điều 37 của Bộ luật này.

6. Thỏa thuận để giao kết hợp đồng lao động với bên thuê lại lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động với doanh nghiệp cho thuê lại lao động”

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật sư dựa trên những thông tin anh/chị cung cấp. ​Nếu còn băn khoăn, bạn đọc có thể liên hệ: 19006192 để được hỗ trợ.

Trân trọng!

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: tuvan@luatvietnam.vn
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY