Di sản dùng vào việc thờ cúng có sang tên được không?

Câu hỏi:

Xin hỏi LuatVietnam: Mẹ tôi có ý định viết di chúc để lại 160m2 đất cho em trai tôi nhưng không muốn cho em tôi bán. Đất hiện tại đang đứng tên mẹ tôi. Xin hỏi nếu di chúc mẹ tôi ghi là "cho nhà đất dùng để ở và thờ cùng" thì em tôi có thể làm thủ tục sang tên thửa đất đó từ tên mẹ tôi sang tên em trai tôi được không? Sau khi sang tên, em tôi có thể bán thửa đất này cho người khác không? Xin cảm ơn!

Trả lời:

Căn cứ khoản 1, Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng như sau:

Điều 645. Di sản dùng vào việc thờ cúng

1. Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thoả thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.

Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng.

Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.

Đối chiếu quy định pháp luật nêu trên, có thể thấy, trong di chúc nếu người để lại di sản thừa kế nêu rõ nhà, đất được sử dụng vào việc thờ cúng thì nhà, đất đó không được chia thừa kế, đồng thời người được chỉ định quản lý nhà đất đó không được chuyển nhượng, tặng cho,…

Sang-ten

Theo như bạn trình bày, trong trường hợp tại di chúc mẹ bạn ghi rõ là cho nhà đất để thờ cúng thì khi đó em trai bạn có trách nhiệm trông nom. Khi đó, phần di sản này không thuộc quyền thừa kế của em trai bạn mà được coi là di sản thờ cúng, em trai bạn chỉ có trách nhiệm trông nom, quản lý. Trường hợp này, em trai bạn sẽ được hưởng các quyền theo quy định tại Điều 618 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

Điều 618. Quyền của người quản lý di sản

1. Người quản lý di sản quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 616 của Bộ luật này có quyền sau đây:

a) Đại diện cho những người thừa kế trong quan hệ với người thứ ba liên quan đến di sản thừa kế;

b) Được hưởng thù lao theo thoả thuận với những người thừa kế;

c) Được thanh toán chi phí bảo quản di sản.

2. Người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản quy định tại khoản 2 Điều 616 của Bộ luật này có quyền sau đây:

a) Được tiếp tục sử dụng di sản theo thoả thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc được sự đồng ý của những người thừa kế;

b) Được hưởng thù lao theo thoả thuận với những người thừa kế;

c) Được thanh toán chi phí bảo quản di sản.

3. Trường hợp không đạt được thỏa thuận với những người thừa kế về mức thù lao thì người quản lý di sản được hưởng một khoản thù lao hợp lý.

Như vậy, đối chiếu các quy định pháp luật nêu trên, nhận thấy, trường hợp của bạn, nếu tại di chúc mẹ bạn có nêu rõ di sản để lại được sử dụng vào việc thờ cúng thì em trai bạn không được quyền chuyển nhượng, sang tên phần di sản này cho người khác.

Xem thêm: Lập di chúc để lại đất nhưng không cho bán, có được không?

Trên đây là nội dung tư vấn về "Di sản dùng vào việc thờ cúng có sang tên được không?​" dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!

Nguyễn Hồng Tâm

Được tư vấn bởi: Luật sư Nguyễn Hồng Tâm

Công ty luật TNHH Chí Công & Thiện Tâm

Luatcongtam.com.vn- 0972810901

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: [email protected]
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợiTổng đài Tư vấn Pháp luật