Lập di chúc để lại đất đai nhưng không cho bán có hợp pháp không?

#6512 Dân sự
Câu hỏi:

Xin hỏi LuatVietnam: Bố chồng tôi mới viết di chúc. Theo nội dung di chúc, bố chia 1 căn nhà cho con trai cả, 350 triệu cho chú út để lấy vốn kinh doanh. Bố không chia cho chồng tôi, chỉ chia 300m2 đất cho con trai tôi, cháu năm nay được 1 tuổi. Tuy nhiên trong nội dung di chúc ghi rõ con trai tôi sau khi lớn không được bán mảnh đất đó, kể cả khi ông đã qua đời cũng không được bán. Xin hỏi nội dung di chúc như vậy có hợp pháp không? Sau khi qua đời, con tôi có được bán không? Nếu không được bán thì con tôi có quyền gì với mảnh đất đó khi trong nội dung di chúc không đề cập rõ các quyền và nghĩa vụ của con tôi? Xin cảm ơn!

Trả lời:

Khoản 1 Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015 quy định điều kiện di chúc hợp pháp như sau:

"Điều 630. Di chúc hợp pháp

1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật."

Như vậy, di chúc hợp pháp phải đáp ứng đủ các điều kiện:

- Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc, không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép;

- Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

Nếu trong di chúc, bố chồng bạn có nêu: Người cháu nhận thừa kế 300m2 đất không được chuyển nhượng thì nội dung này không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Điều 123 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

"Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.

Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng."

Do đó, di chúc vẫn được xem là hợp pháp nếu đáp ứng các điều kiện còn lại nêu trên.

 

Sau khi bố bạn qua đời, con bạn có được bán mảnh đất đó không?

Trường hợp 1:

Trong di chúc bố chồng bạn nêu rõ mảnh đất được dùng vào việc thờ cúng và con bạn được chỉ định là người quản lý thì mảnh đất này không được chia thừa kế và con bạn không được chuyển nhượng một phần đất là di sản thờ cúng này.

Xem quy định tại Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015:

“Điều 645. Di sản dùng vào việc thờ cúng

1. Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.

Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng.

Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.

2. Trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.”

Quyền và nghĩa vụ của người quản lý di sản trong trường hợp này được quy định tại Điều 617 và Điều 618 Bộ luật Dân sự 2015.

 

Trường hợp 2:

Nếu trong di chúc, bố bạn không nêu rõ mảnh đất đó sử dụng vào việc thờ cúng mà chỉ có ý nguyện rằng con bạn (là người thừa kế mảnh đất) không được chuyển nhượng thì nội dung này chỉ thể hiện nguyện vọng của người để lại di chúc.

Theo quy định pháp luật, sau khi người để lại di sản mất, người thừa kế có quyền làm thủ tục để đăng ký sang tên quyền sử dụng đất mà họ được nhận theo di chúc. Khi đã trở thành chủ sử dụng đất, người này sẽ có các quyền đối với đất theo quy định pháp luật về đất đai, trong đó có quyền chuyển nhượng.

Do trên thực tế khó kiếm soát việc những người thừa kế thực hiện theo đúng ý nguyện của người lập di chúc; nên khi bố bạn mất, con bạn có thể làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế và đăng ký sang tên. Sau khi đã trở thành chủ sử dụng đất, con bạn có quyền chuyển nhượng mảnh đất này.

Xem thêm: Thủ tục lập di chúc đơn giản, nhanh gọn và đúng chuẩn

Trên đây là nội dung tư vấn dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: tuvan@luatvietnam.vn
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY