Trả lời:
1. Đất nông nghiệp được xây dựng những loại công trình nào?
Tại khoản 1, Điều 10 Luật Đất đai 2013 quy định như sau:
Điều 10. Phân loại đất
Căn cứ vào mục đích sử dụng, đất đai được phân loại như sau:
1. Nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:
a) Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác;
b) Đất trồng cây lâu năm;
c) Đất rừng sản xuất;
d) Đất rừng phòng hộ;
đ) Đất rừng đặc dụng;
e) Đất nuôi trồng thủy sản;
g) Đất làm muối;
h) Đất nông nghiệp khác gồm đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm; đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh;
Theo căn cứ này, thì đất nông nghiệp khác được sử dụng để xây dựng các công trình như sau:
- Các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất.
- Nhà kính phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất.
- Chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép.
Như vậy, người sử dụng đất nông nghiệp được phép xây dựng một số loại công trình trên đất nhưng các công trình này phải được dùng vào mục đích nông nghiệp như chuồng trại, nhà kho, nhà kính chứ không được sử dụng vào mục đích để ở.
2. Những hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng đất nông nghiệp?
Căn cứ theo quy định tại Điều 12 Luật đất đai 2013 quy định về những hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng đất như sau:
Điều 12. Những hành vi bị nghiêm cấm
1. Lấn, chiếm, hủy hoại đất đai.
2. Vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố.
3. Không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích.
4. Không thực hiện đúng quy định của pháp luật khi thực hiện quyền của người sử dụng đất.
5. Nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức đối với hộ gia đình, cá nhân theo quy định của Luật này.
6. Sử dụng đất, thực hiện giao dịch về quyền sử dụng đất mà không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
7. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.
8. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định về quản lý đất đai.
9. Không cung cấp hoặc cung cấp thông tin về đất đai không chính xác theo quy định của pháp luật.
10. Cản trở, gây khó khăn đối với việc thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Như vậy, người sử dụng đất nông nghiệp phải lưu ý các hành vi nghiêm cấm theo quy định nêu trên, sử dụng đất đúng mục đích và thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.
3. Có được xây nhà trên đất nông nghiệp khác không?
Căn cứ khoản 1, Điều 6 và khoản 1, Điều 170 Luật Đất đai 2013 quy định:
Điều 6. Nguyên tắc sử dụng đất
1. Đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất.
[…]
Điều 170. Nghĩa vụ chung của người sử dụng đất
1. Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Dựa vào căn cứ này có thể thấy, người sử dụng đất phải sử dụng đất đúng mục đích. Nghĩa là, pháp luật không cho phép người sử dụng đất xây nhà ở trên đất nông nghiệp khác. Theo đó, người sử dụng đất muốn xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp khác thì trước tiên cần xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp khác sang đất ở và phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận, nộp tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định pháp luật.
4. Thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp khác sang đất ở
a. Chuẩn bị hồ sơ
Khi đó, người có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp khác sang đất ở phải chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ sau:
- Đơn đề nghị/xin chuyển mục đích sử dụng đất (mẫu 01 ban hành kèm theo Thông tư 30/2014/TT-BTNMT);
- Giấy chứng nhận/Sổ đỏ (bản gốc) đã cấp cho người sử dụng đất;
- Giấy tờ tùy thân, giấy tờ chứng minh nơi ở hợp pháp của người sử dụng đất.
b. Các khoản chi phí khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất
Người chuyển mục đích sử dụng đất có nghĩa vụ đóng nộp các khoản tài chính theo thông báo để được chuyển mục đích sử dụng đất. Các loại thuế phí gồm:
- Tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích.
- Phí thẩm định hồ sơ chuyển mục đích.
- Lệ phí cấp giấy chứng nhận.
c. Thời hạn giải quyết
Căn cứ khoản 40, Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP quy định:
- Thời hạn giải quyết chuyển mục đích sử dụng đất là không quá 15 ngày với điều kiện bình thường.
- Với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thì thời hạn giải quyết là không quá 25 ngày.
Xem thêm: Xây nhà trên đất nông nghiệp có xin cấp sổ đỏ được không?
Trên đây là nội dung tư vấn về "Đất nông nghiệp được xây dựng những loại công trình nào?” dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!