Trả lời:
Điều 18 Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định về nội dung thể hiện trên thẻ Căn cước công dân, trong đó có nội dung nơi thường trú. Bạn không thuộc trường hợp không có nơi ở hợp pháp, không đủ điều kiện đăng ký thường trú. Vì vậy, việc Công an quận hướng dẫn bạn thực hiện đăng ký thường trú là phù hợp quy định của pháp luật.
Theo thông tin bạn trình bày thì do bạn đi làm xa nên bị xóa đăng ký thường trú. Đối chiếu quy định tại Điều 24 Luật cư trú thì bạn có thể thuộc một trong hai trường hợp bị xóa đăng ký thường trú sau đây:
- Ra nước ngoài để định cư;
- Vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư.
Vì thông tin bạn cung cấp chưa đầy đủ nên chưa đủ cơ sở xác định bạn bị xóa đăng ký thường trú theo trường hợp nào trong hai trường hợp nếu trên. Vì vậy, cần xét cả hai trường hợp, cụ thể như sau:
Trường hợp 1: Công dân ra nước ngoài định cư.
Theo quy định tại Điều 21 Luật cư trú quy định thành phần hồ sơ đăng ký thường trú đối với công dân có nơi ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình sẽ bao gồm: Tờ khai thay đổi thông tin cư trú và Giấy tờ, tài liệu chứng minh nơi ở hợp pháp. Nếu thuộc trường hợp vợ về ở với chồng, chồng về ở với vợ, con về ở với cha mẹ hoặc cha mẹ về ở với con thì hồ sơ đăng ký thường trú bao gồm: Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản; Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân với chủ hộ, thành viên hộ gia đình, trừ trường hợp đã có thông tin thể hiện quan hệ này trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú. Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì cần nộp hộ chiếu Việt Nam còn hạn sử dụng.
Theo đó, thành phần hồ sơ đăng ký thường trú không bắt buộc phải có Căn cước công dân. Việc công an yêu cầu bạn xuất trình căn cước công dân nhằm mục đích xác định nhân thân (lai lịch, nhận dạng) của bạn khi bạn thực hiện đăng ký thường trú. Trường hợp nếu bạn bị xóa đăng ký thường trú do ra nước ngoài định cư, làm ăn nay trở về thì việc xuất trình Hộ chiếu cũng chính là giấy tờ có giá trị xác định nhân thân của bạn thay cho Căn cước công dân, đồng thời là giấy tờ bắt buộc để làm căn cứ giải quyết hồ sơ đăng ký thường trú.
Trường hợp 2: Vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư:
Tuy nhiên, theo thông tin bạn cung cấp thì bạn đang đăng ký tạm trú tại TP Hồ Chí Minh. Do đó, việc công an xã tiến hành xóa đăng ký thường trú của bạn trong khi bạn vắng mặt đã tiến hành đăng ký tạm trú tại nơi khác là không đúng quy định của pháp luật. Trường hợp này bạn có thể liên hệ với Công an xã nơi bạn đăng ký thường trú trước đây để khiếu nại về việc xóa đăng ký thường trú của bạn trái quy định của pháp luật và yêu cầu thực hiện thủ tục đăng ký thường trú cho bạn theo đúng quy định.
Sau khi thực hiện xong việc đăng ký thường trú, bạn có thể tiến hành thủ tục đề nghị cấp Căn cước công dân tại Công an cấp huyện nơi bạn đăng ký hộ khẩu thường trú theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 22 Luật căn cước công dân năm 2014.
Xem thêm: Các loại giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp mới nhất
Trên đây là nội dung tư vấn cho câu hỏi “Đăng ký thường trú có bắt buộc phải xuất trình CCCD không?” dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!