Đăng kí khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi như thế nào?

Câu hỏi:

Xin hỏi LuatVietnam: Tôi dự định nhận 1 đứa trẻ làm con nuôi, có Giấy chứng sinh của bệnh viện và giấy cho con của mẹ đứa trẻ. Mẹ bé năm nay dưới 18 tuổi, chưa đăng kí kết hôn, bố bé cũng không nhận con. Nay tôi đi làm giấy khai sinh cho cháu thì bộ phận tư pháp hộ tịch xã nói rằng phải có ý kiến đồng ý cho cho con làm con nuôi của bố cháu bé. Xin hỏi bộ phận tư pháp hộ tịch yêu cầu như vậy có đúng không? Trường hợp này tôi phải làm như thế nào để có thể đăng kí khai sinh cho cháu bé? Xin cảm ơn!

Trả lời:

1. Căn cứ pháp lý

- Luật Nuôi con nuôi 2010;

- Luật Hộ tịch 2014;

- Nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch.

2. Ý kiến tư vấn:

Thông tin mà bạn cung cấp còn chưa rõ một số điểm sau: Thời điểm mẹ đẻ của đứa trẻ đồng ý cho con làm con nuôi? Hiện nay còn liên lạc được với mẹ đẻ của đứa trẻ không? Có xác định và liên lạc được với bố đẻ của đứa trẻ không? Vì vậy, có 2 tình huống với 2 cách thực hiện việc nhận nuôi con nuôi và đăng ký việc sinh, cấp Giấy khai sinh cho đứa trẻ được nhận làm con nuôi như sau:

Tình huống thứ nhất:

Nếu còn liên lạc được với mẹ đẻ của đứa trẻ, căn cứ quy định tại khoản 1, Điều 15 Luật Hộ tịch 2014 thì cha mẹ đẻ hoặc ông bà hoặc những người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ.

Điều 21 Luật Nuôi con nuôi quy định, việc nhận nuôi con nuôi phải được sự đồng ý của cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi; nếu cha đẻ hoặc mẹ đẻ đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người còn lại. Cha mẹ đẻ chỉ được đồng ý cho con làm con nuôi sau khi con đã được sinh ra ít nhất 15 ngày.

Theo đó, sau khi sinh ra đứa trẻ từ 15 ngày trở lên, nếu muốn cho con đi làm con nuôi thì phải có sự đồng ý của cha mẹ đẻ đứa trẻ, trong trường hợp này, cha của đứa trẻ bạn muốn nhận nuôi không nhận con, nghĩa là vẫn có thể xác định được cha của đứa trẻ, nên không thuộc vào trường hợp “nếu cha đẻ hoặc mẹ đẻ đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người còn lại” (khoản 1 Điều 21 Luật Nuôi con nuôi), nên dù đã có giấy cho con của người mẹ, thì vẫn cần bổ sung thêm giấy tờ thể hiện sự đồng ý cho con đi làm con nuôi của người cha.

Sau khi đã có sự đồng ý từ cha mẹ đẻ đứa trẻ, bạn tiến hành nộp hồ sơ của mình và hồ sơ của đứa trẻ bạn muốn nhận làm con nuôi tại UBND cấp xã nơi bạn thường trú hoặc nơi đứa trẻ bạn muốn nhận làm con nuôi thường trú. Khi xét thấy người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi có đủ điều kiện theo quy định của Luật Nuôi con nuôi thì UBND cấp xã tổ chức đăng ký nuôi con nuôi, trao Giấy chứng nhận nuôi con nuôi cho cha mẹ nuôi và ghi vào sổ hộ tịch trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày có ý kiến đồng ý của cha mẹ đẻ.

Căn cứ khoản 2, Điều 24 Luật Nuôi con nuôi quy định: “Theo yêu cầu của cha mẹ nuôi, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc thay đổi họ, tên của con nuôi. Việc thay đổi họ, tên của con nuôi từ đủ 09 tuổi trở lên phải được sự đồng ý của người đó.”

Như vậy, sau khi nhận nuôi, bạn có thể thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh lại cho đứa trẻ tại cơ quan có thẩm quyền.

Tình huống thứ hai:

Trường hợp mẹ của đứa trẻ vừa sinh con chưa đủ 15 ngày, chưa làm thủ tục khai sinh cho con, mà đã giao con cho người khác là không thực hiện đúng quy định của Luật Nuôi con nuôi. Nay  không liên lạc được với mẹ đẻ của đứa trẻ, không biết mẹ đẻ của đứa trẻ ở đâu, không xác định được cha đẻ của đứa trẻ, thì có thể coi đây là trường hợp trẻ bị bỏ rơi. Bạn cần báo với UBND cấp xã hoặc Công an cấp xã để cơ quan này lập biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi. Sau khi lập biên bản theo quy định, UBND cấp xã tiến hành niêm yết tại trụ sở UBND trong 7 ngày liên tục về việc trẻ bị bỏ rơi.

Để nhận nuôi đứa trẻ, bạn phải làm thủ tục nhận con nuôi. Căn cứ khoản 1 Điều 18 Luật Nuôi con nuôi, hồ sơ của đứa trẻ được nhận làm con nuôi gồm: Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp; 2 ảnh toàn thân, nhìn thẳng chụp không quá 6 tháng; Biên bản xác nhận do UBND hoặc Công an cấp xã nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi lập đối với trẻ em bị bỏ rơi.

Điều 14 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định việc khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi như sau: Sau khi hết thời hạn niêm yết, nếu không có thông tin về cha, mẹ đẻ của trẻ, UBND cấp xã sẽ thông báo cho bạn để tiến hành đăng ký khai sinh cho trẻ.

Lúc này bạn thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 của Luật Hộ tịch. Họ, chữ đệm, tên của trẻ được xác định theo quy định của pháp luật dân sự; nơi sinh là nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi; quê quán được xác định theo nơi sinh; quốc tịch của trẻ là quốc tịch Việt Nam. Phần khai về cha, mẹ và dân tộc của trẻ trong Giấy khai sinh và Sổ hộ tịch để trống; trong Sổ hộ tịch ghi rõ “Trẻ bị bỏ rơi”.

Xem thêm:  Cập nhật mới nhất thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ

Trên đây là nội dung tư vấn về "​​​Đăng kí khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi như thế nào?” dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: tuvan@luatvietnam.vn
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY