Đang bị xử lý hình sự có được thôi quốc tịch không?

Câu hỏi:

Xin hỏi Luatvietnam. Hiện tại, tôi đang có 2 quốc tịch là Việt Nam và Mỹ. Ngày 20/4/2022, tôi bị cơ quan công an bắt giữ về tội cướp tài sản. Tôi đang muốn thôi quốc tịch Việt Nam. Vậy trong trường hợp này, tôi có được phép thôi quốc tịch Việt Nam không? Giả sử tôi được phép thôi quốc tịch Việt Nam thì việc xử lý hình sự đối với tôi sẽ được thực hiện như thế nào? Xin cảm ơn!

Trả lời:

Về nguyên tắc, công dân Việt Nam chỉ được mang một quốc tịch, nhưng căn cứ theo Điều 4 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 thì: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.”

Công dân Việt Nam có quyền có 2 quốc tịch trong trường hợp sau: Chủ tịch nước cho phép giữ quốc tịch nước ngoài xin nhập quốc tịch Việt Nam, xin trở lại quốc tịch Việt Nam, trẻ em là công dân Việt Nam được người nước ngoài nhận làm con nuôi, có quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn giữ quốc tịch Việt Nam….

Căn cứ để  thôi quốc tịch Việt Nam được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 27 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 như sau:

“1. Công dân Việt Nam có đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài thì có thể được thôi quốc tịch Việt Nam.

2. Người xin thôi quốc tịch Việt Nam chưa được thôi quốc tịch Việt Nam, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

a) Đang nợ thuế đối với Nhà nước hoặc đang có nghĩa vụ tài sản đối với cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân ở Việt Nam;

b) Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

c) Đang chấp hành bản án, quyết định của Toà án Việt Nam;

d) Đang bị tạm giam để chờ thi hành án;

đ) Đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, trường giáo dưỡng.''

Như vậy, nếu bạn đang thuộc trường hợp bị cơ quan công an của Việt Nam truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ không được xin thôi quốc tịch Việt Nam theo điểm b khoản 2 Điều 27 nêu trên.

Theo thông tin bạn cung cấp, bạn là người có 2 quốc tịch Mỹ và Việt Nam. Bị cơ quan công an bắt giữ trên lãnh thổ Việt Nam. Như vậy, ngoài tư cách là công dân Việt Nam, bạn còn là người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam.

Người Việt phạm tội mang 2 quốc tịch đã được quy định cụ thể trong Bộ luật Hình sự 2015 như sau:

Căn cứ khoản 1 Điều 2 Bộ luật Hình sự 2015 về Cơ sở trách nhiệm hình sự: “Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự.”

Căn cứ Điều 5 Hiệu lực của Bộ luật Hình sự đối với những hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định như sau:

''1. Bộ luật hình sự được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Quy định này cũng được áp dụng đối với hành vi phạm tội hoặc hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên tàu bay, tàu biển mang quốc tịch Việt Nam hoặc tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.

2. Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó; trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.”

Như vậy, đối với người Việt Nam phạm tội có 2 quốc tịch thì nguyên tắc xử lý như sau:

+ Người phạm tội vẫn là công dân Việt Nam nên sẽ áp dụng pháp luật Việt Nam để xử lý hành vi phạm tội.

+ Trường hợp họ mang quốc tịch thứ 2 mà quốc gia này áp dụng chế độ bảo hộ công dân và nước này có ý kiến can thiệp thì lúc đó sẽ giải quyết theo một trong hai trường hợp: Nếu người đó thuộc đối tượng được miễn trừ ngoại giao thì sẽ được giải quyết theo Tòa án quốc tế, áp dụng theo con đường miễn trừ ngoại giao, nếu không được miễn trừ thì vẫn được giải quyết bình thường, như một người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ quốc gia Việt Nam thì do pháp luật Việt Nam xử lý.

Đối với trường hợp bạn được thôi quốc tịch Việt Nam, bạn mang quốc tịch Mỹ nên được xác định là người nước ngoài phạm tội tại lãnh thổ Việt Nam.

Căn cứ theo Điều 5 Bộ luật Hình sự 2015 quy định trên để xác định nguyên tắc xử lý như sau:

Trường hợp người phạm tội không thuộc đối tượng được miễn trữ ngoại giao hoặc lãnh sự thì người nước ngoài sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam

Trường hợp người phạm tội thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trữ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế thì được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế, tập quán quốc tế có liên quan. Nếu điều ước quốc tế không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của người phạm tội được giải quyết bằng con đường ngoại giao.

Nếu có văn bản yêu cầu dẫn độ người nước ngoài về nước xử lý thì tùy tình huống cụ thể, cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam có thể đồng ý hoặc không đồng ý dẫn độ theo Điều 32 Luật Tương trợ tư pháp 2007

“1. Dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó.

2. Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam có thể:

a) Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài dẫn độ cho Việt Nam người có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án;

b) Thực hiện việc dẫn độ người nước ngoài đang ở trên lãnh thổ Việt Nam có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật cho nước yêu cầu để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án.”

Khoản 1 Điều 35 Luật Tương trợ tư pháp hiện hành quy định, cơ quan tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam từ chối dẫn độ nếu yêu cầu dẫn độ thuộc trong các trường hợp:

“1. Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam từ chối dẫn độ nếu yêu cầu dẫn độ thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Người bị yêu cầu dẫn độ là công dân Việt Nam;

b) Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì người bị yêu cầu dẫn độ không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành hình phạt do đã hết thời hiệu hoặc vì những lý do hợp pháp khác;

c) Người bị yêu cầu dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự đã bị Tòa án của Việt Nam kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật về hành vi phạm tội được nêu trong yêu cầu dẫn độ hoặc vụ án đã bị đình chỉ theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam;

d) Người bị yêu cầu dẫn độ là người đang cư trú ở Việt Nam vì lý do có khả năng bị truy bức ở nước yêu cầu dẫn độ do có sự phân biệt về chủng tộc, tôn giáo, giới tính, quốc tịch, dân tộc, thành phần xã hội hoặc quan điểm chính trị;

đ) Trường hợp yêu cầu dẫn độ có liên quan đến nhiều tội danh và mỗi tội danh đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước yêu cầu dẫn độ nhưng không đáp ứng các quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật này.”

Ngoài ra, khoản 2 Điều 35 Luật Tương trợ tư pháp 2007quy định, cơ quan tiến hành tố tụng có thể từ chối dẫn độ nếu người bị yêu cầu dẫn độ đang truy cứu trách nhiệm hình sự ở Việt Nam về hành vi phạm tội được nêu trong yêu cầu dẫn độ.

Xem thêmThủ tục thôi quốc tịch Việt Nam theo quy định mới nhất

Trên đây là nội dung tư vấn cho câu hỏi đang bị xử lý hình sự có được thôi quốc tịch không dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006199 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: tuvan@luatvietnam.vn
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY