Trả lời:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 169 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản như sau:
“ Người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.”
Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi bắt, giữ người khác làm con tin do người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý nhằm buộc người muốn chuộc phải nộp cho mình tiền hoặc tài sản thì mới thả người bị bắt, giữ.
Hành vi “Bắt cóc” phải thể hiện việc đưa “người bị bắt” giấu đi ở một nơi nào đó mà không muốn cho người khác biết, đặc biệt là đối với người thân, gia đình của người bị bắt (người muốn chuộc con tin).
Như vậy, có thể hiểu người bị bắt cóc (Bị hại) phải bị dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác khiến bị khống chế không thể thoát thân được và hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của người thực hiện hành vi phạm tội. Đồng thời việc bắt giữ này phải hoàn toàn trái với ý chí, lý trí của người bị bắt giữ. Người phạm tội cùng một lúc xâm phạm đến hai khách thể (quan hệ sở hữu và quan hệ nhân thân).
Trong trường hợp bạn nêu thì bạn là người chủ mưu bàn với anh A về việc giả bắt bạn để lấy tiền chuộc từ cha mẹ, bởi vậy sẽ không sảy ra hành vi khống chế (bắt, giữ) đối với bạn (không xâm phạm khách thể về quan hệ nhân thân). Chính vì vậy, Viện kiểm sát truy tố anh A về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 169 Bộ luật Hình sự hiện hành là chưa phù hợp với quy định của pháp luật.
Trong trường hợp này, Luật sư cho rằng có dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản quy định tại điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Hành vi của các đối tượng là nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác, xâm phạm đến quan hệ sở hữu được pháp luật bảo vệ.
Theo đó, người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, “đe doạ sẽ dùng vũ lực…” là hành vi dọa sẽ gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng trong tương lai nếu không thoả mãn yêu cầu chiếm đoạt của người phạm tội.
Trong trường hợp của vụ việc này các đối tượng đã dùng thủ đoạn uy hiếp tinh thần đối với cha mẹ bạn bằng việc sẽ sát hại bạn nhằm ép cha mẹ bạn phải đưa tiền cho mình. Ở đây, cha mẹ bạn bị uy hiếp tinh thần vẫn có đủ điều kiện, thời gian để báo cáo với cơ quan có thẩm quyền xử lý trước khi hành vi chiếm đoạt xảy ra.
Đáng lưu ý, nếu xử lý về tội cưỡng đoạt tài sản thì bạn cũng sẽ bị xử lý về tội này với vai trò là người cầm đầu, chủ mưu.
Trên đây là nội dung tư vấn dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!