Công ty không trả lương khi nhân viên nghỉ việc

Câu hỏi:

Xin hỏi luatvietnam: Ngày 12/1/2021, tôi có bắt đầu mang thai tháng thứ nhất. Ngày 14/7/2021, vì lý do sức khỏe thai nhi của tôi không được tốt cho nên tôi có nộp đơn xin nghỉ việc cho công ty A và không được chấp thuận. Sau khi nghỉ việc, công ty A không chấp nhận thanh toán lương tháng 6 và tháng 7 cho tôi với lý do tôi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Vậy việc tôi chấm dứt hợp đồng lao động không báo trước có vi phạm pháp luật không? Công ty giữ 2 tháng lương của tôi như vậy có đúng quy định pháp luật không? Xin cảm ơn!

Trả lời:

Liên quan đến vấn đề này, điểm đ khoản 2 Điều 35 và khoản 1 Điều 138 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:

“Điều 35. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động

2. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp sau đây:

đ) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật này;

Điều 138. Quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động của lao động nữ mang thai

1. Lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.

Trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động thì phải thông báo cho người sử dụng lao động kèm theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi.”

Như vậy, lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước thời hạn quy định mà chỉ cần thông báo cho người sử dụng lao động.

Trường hợp của bạn cần xem lại có giấy xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh không (?):

* Trường hợp 1: Có giấy xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi

Nếu bạn có giấy xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi thì việc bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không báo trước là đúng với quy định pháp luật.

Căn cứ Điều 94 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động phải thực hiện trả lương đầy đủ và đúng hạn cho người lao động.

Do đó, việc công ty tự ý giữ 2 tháng lương của bạn là hoàn toàn không có cơ sở và không đúng với quy định.

* Trường hợp 2: Không có giấy xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi

Nếu bạn không có giấy xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh mà tự ý đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không báo trước là không đúng với quy định tại Điều 35 Bộ luật Lao động 2019.

Việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không đúng với quy định tại Điều 35 do vi phạm thời hạn báo trước là đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật (căn cứ quy định tại Điều 39 Bộ luật Lao động 2019).

Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật được quy định tại Điều 40 Bộ luật Lao động 2019 như sau:

“Điều 40. Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

1. Không được trợ cấp thôi việc.

2. Phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.

3. Phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này.”

Như vậy, việc người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật do vi phạm thời hạn báo trước sẽ được giải quyết theo quy định trên.

Theo đó không cho phép người sử dụng lao động được giữ lương của người lao động. Nguyên tắc trả lương cho người lao động vẫn phải thực hiện theo quy định tại Điều 94 Bộ luật Lao động 2019: “Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động...”

Hơn thế nữa, nếu người sử dụng lao động muốn giữ lương để khấu trừ lương của người lao động thì chỉ được khấu trừ lương trong trường hợp người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động (căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 102 Bộ luật Lao động 2019). Việc khấu trừ lương để bù trừ nghĩa vụ trả tiền bồi thường khi người lao động chấm dứt hợp đồng trái pháp luật do vi phạm thời hạn báo trước là không được phép.

Do đó đối với trường hợp này, người sử dụng lao động tự ý giữ 2 tháng lương của bạn là không có cơ sở.

Về thủ tục bồi thường cho người sử dụng lao động trong trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật do vi phạm thời hạn báo trước sẽ thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 48 Bộ luật Lao động 2019:

“Điều 48. Trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động

1. Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên…”

Kết luận: Trong cả hai trường hợp nêu trên, công ty của bạn giữ 2 tháng lương như vậy là không đúng với quy định pháp luật.

Trên đây là nội dung tư vấn dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!

Công ty Minh Long Legal

Được tư vấn bởi: Luật sư Công ty Minh Long Legal

Công ty TNHH Minh Long Legal

http://minhlonglegal.com/index.html- 03 7777 3369

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: [email protected]
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợi