Công ty chậm trả lương thì NLĐ có được đền bù không?

Câu hỏi:

Xin hỏi LuatVietnam: Tôi làm ở công ty A được 4 năm. Trước đây, công ty làm ăn được nên hàng tháng trả lương cho nhân viên rất đúng ngày. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay công ty tôi thường xuyên trả lương chậm (có thể trả chậm từ 15 ngày đến 1 tháng) mà không có thông báo hay thỏa thuận trước với nhân viên. Khi chúng tôi lên gặp ban giám đốc, chỉ được trả lời công ty vẫn đang bị ảnh hưởng sau đại dịch Covid-19. Xin hỏi, việc chậm trả lương cho người lao động thì công ty có bị xử phạt hành chính không? Người lao động có được đền bù không? Xin cảm ơn!

Trả lời:

Một trong những nguyên tắc căn bản của pháp luật hợp đồng là tuân thủ các thỏa thuận. Theo đó, mỗi bên trong quan hệ hợp đồng phải có nghĩa vụ thực hiện các thỏa thuận được quy định trong hợp đồng và chịu trách nhiệm pháp lý về việc không hoàn thành nghĩa vụ đã thỏa thuận liên quan.

Căn cứ quy định tại Điều 97 Bộ luật Lao động 2019 (bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021) thì công ty phải trả lương cho người lao động đúng kỳ hạn theo thỏa thuận và theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, các quy định giãn cách xã hội rõ ràng là một rào cản vô hình ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh doanh thông thường của doanh nghiệp và sẽ dẫn tới những vi phạm nghĩa vụ trong thực thi hợp đồng.

Và trong các trường hợp bất khả kháng, công ty có thể chậm trả lương nhưng không được chậm quá 30 ngày, nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì công ty có nghĩa vụ đền bù cho người lao động. Theo đó, tại khoản 4, Điều 97 Bộ luật Lao động 2019 quy định:

4. Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.

Như vậy, từ ngày 01/01/2021, nếu công ty trả lương chậm từ 15 ngày trở lên (tối đa 30 ngày) theo quy định nêu trên, thì người lao động sẽ được nhận thêm một khoản tiền (gọi là đền bù) ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi công ty mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.

Mặt khác, trường hợp công ty trả lương không đúng thời hạn (trừ trường hợp quy định tại khoản 4, Điều 97 nêu trên) thì người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần phải báo trước cho công ty theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 35 Bộ luật Lao động 2019.

Căn cứ theo khoản 2, Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, quy định cụ thể như sau:

Điều 17. Vi phạm quy định về tiền lương

[…]

2. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm việc vào ban đêm; không trả hoặc trả không đủ tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định; khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền lương theo quy định cho người lao động khi tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động hoặc trong thời gian đình công; không trả hoặc trả không đủ tiền lương của người lao động trong những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm khi người lao động thôi việc, bị mất việc làm; không tạm ứng hoặc tạm ứng không đủ tiền lương cho người lao động trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo quy định của pháp luật; không trả đủ tiền lương cho người lao động cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc trong trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Tuy nhiên, theo khoản 1, Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì mức phạt quy định trên đây là mức phạt đối với cá nhân. Đối với tổ chức thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Điều 6. Mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt và nguyên tắc áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần

1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 7; khoản 3, 4, 6 Điều 13; khoản 2 Điều 25; khoản 1 Điều 26; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 27; khoản 8 Điều 39; khoản 5 Điều 41; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Điều 42; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 43; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 45; khoản 3 Điều 46 Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Do đó, nếu công ty của bạn trả lương không đúng thời hạn quy định thì có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt tiền cụ thể sẽ tùy thuộc vào số người lao động mà công ty trả lương không đúng hạn theo như quy định nêu trên.

Đồng thời, theo điểm a, khoản 5, Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì ngoài việc bị phạt tiền công ty còn phải trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.

Điều 17. Vi phạm quy định về tiền lương

[…]

5. Biện pháp khắc phục hậu quả

a) Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này.

Xem thêm: Chậm trả lương nhân viên, doanh nghiệp bị phạt thế nào?

Trên đây là nội dung tư vấn cho câu hỏi “Công ty chậm trả lương thì NLĐ có được đền bù không?” dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192  để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: tuvan@luatvietnam.vn
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY