Công nhân nhà máy nhuộm có được hưởng phụ cấp độc hại?

Câu hỏi:

Dạ thưa luật sư cho em hỏi: Công ty em làm nhuộm vải, bộ phận em làm hằng ngày tiếp xúc trực tiếp với hoá chất (axit, hydro, NaoH... rất nhiều hoá chất khác + Màu nhuộm) mà công ty không phụ cấp gì hết. Lên họp thì giám đốc nói công ty này không có độc hại.

Và cho em hỏi công nhân chúng em ký giấy đóng tiền công đoàn, mà 01 năm rồi họ không đóng. Công ty làm như vậy đúng hay sai? Làm sao để được có quyền lợi cho công nhân?

Trả lời:

1. Đối tượng và điều kiện được hưởng phụ cấp độc hại

Theo Danh mục ban hành kèm theo Quyết định 1629/LĐTBXH-QĐ ngày 26/12/1996, xác định nhuộm, hấp len, sợi tổng hợp chịu tác động của nóng và các chất tẩy, nhuộm nằm trong điều kiện lao động loại IV - nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Do đó, công nhận nhuộm sẽ được hưởng các chế độ bảo hộ lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội theo quy định của Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành. Cụ thể, 

Mức lương của công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5% […] so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.

Ngoài ra, người làm công việc nặng nhọc, độc hại phải được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng/lần đồng thời được người sử dụng lao động bồi dưỡng bằng hiện vật.

Bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hàng ngày và có giá trị bằng tiền tương ứng theo các mức sau:

- Mức 1: 10.000 đồng;

- Mức 2: 15.000 đồng;

- Mức 3: 20.000 đồng;

- Mức 4: 25.000 đồng.

Việc xác định mức bồi dưỡng bằng hiện vật cụ thể theo điều kiện lao động và chỉ tiêu môi trường lao động được quy định tại Phụ lục I Thông tư 25/2013/TT-BLĐTBXH.

Mà phụ cấp nặng nhọc, độc hại là một trong những khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố điều kiện lao động nhưng chưa được tính đủ trong mức lương của thang lương, bảng lương.

Một trong những nguyên tắc khi xây dựng thang, bảng lương là công ty có trách nhiệm rà soát việc phân loại điều kiện lao động của các chức danh nghề, công việc trong công ty, trong đó:

Đối với chức danh nghề, công việc đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công nhận nghề, công việc có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (điều kiện lao động loại IV) […] thì công ty sử dụng làm cơ sở để xác định mức lương theo điều kiện lao động.

Tùy theo yêu cầu thực tế, công ty quyết định đưa yếu tố điều kiện lao động để thiết kế các mức lương trong thang lương, bảng lương hoặc quy định thành chế độ phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Tức là, yếu tố điều kiện lao động sẽ được sử dụng để thiết kế các mức lương trong thang, bảng lương hoặc quy định thành chế độ phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cho người lao động.

Trường hợp nếu công ty bạn không có bất kỳ chế độ nào cho người lao động làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là không đúng quy định của pháp luật.

Để đảm bảo quyền lợi cho bạn và những người lao động khác thì bạn có quyền khiếu nại theo quy trình tham khảo tại đây.

2. Đóng đoàn phí và kinh phí công đoàn?

Do thông tin bạn nêu không rõ, chúng tôi xin thông tin như sau:

Hiện nay có 02 khoản thu liên quan tới công đoàn là đoàn phí công đoàn và kinh phí công đoàn.

Trong đó, đoàn phí công đoàn do người lao động tham gia tổ chức công đoàn nộp còn kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng, người lao động không phải đóng kinh phí công đoàn.

Mức đóng của đoàn phí công đoàn là 1% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tối đa chỉ bằng 10% mức lương cơ sở - tức là tối đa 149.000 đồng.

Đoàn phí công đoàn có thể được:

- Đóng trực tiếp hàng tháng cho tổ công đoàn, công đoàn bộ phận, công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn hoặc;

- Thu qua lương hàng tháng (tiền mặt hoặc chuyển khoản) sau khi có ý kiến thỏa thuận của đoàn viên. Trong trường hợp này, số thu đoàn phí công đoàn phải có xác nhận của phòng kế toán đơn vị và có danh sách chi tiết đoàn viên đóng đoàn phí.

Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn được giao nhiệm vụ thu tiền đoàn phí do đoàn viên đóng phải mở sổ sách, ghi chép, phản ánh đầy đủ, kịp thời việc nộp tiền đoàn phí hàng tháng của đoàn viên theo danh sách đoàn viên của đơn vị.

Đồng thời công đoàn cơ sở phải bảo quản, lưu trữ sổ thu đoàn phí theo đúng quy định của Luật Kế toán; tổng hợp báo cáo quyết toán thu, chi tài chính với công đoàn cấp trên.

Việc phân phối, sử dụng, quản lý tiền đoàn phí thực hiện theo quy định của Tổng Liên đoàn. Cụ thể, trong năm 2019, công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp được sử dụng 40% tổng số thu đoàn phí công đoàn; 60% tổng số thu đoàn phí nộp công đoàn cấp trên.

>> Mức đóng kinh phí công đoàn, đoàn phí công đoàn năm 2019
Nguyễn Ngọc Hùng

Được tư vấn bởi: Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng

Văn phòng luật sư Kết nối

https://luatketnoi.vn/

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: [email protected]
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợi