Có tên trong di chúc, nhưng người khác lại được cấp Sổ đỏ?

Câu hỏi: Nhà tôi hiện ở trên thửa đất được thừa kế từ ông ngoại cho mẹ tôi từ năm 1990 (theo di chúc). Năm 2005, mẹ tôi có làm thủ tục khai để cấp Sổ đỏ tuy nhiên do các hộ bên trong thửa đất này không thực hiện theo di chúc, mẹ tôi có làm đơn xin chưa làm Sổ đỏ tại thửa đất này. Đầu năm 2019, dì tôi tiến hành bán phần đất nằm trong di chúc đứng tên mẹ tôi quản lý. Tôi có ra Ủy ban phường hỏi, họ nói: Việc mua bán có Sổ đỏ! Tôi hết sức thắc mắc: Sao lại cấp Sổ đỏ được cho dì tôi, mà nguồn gốc đất theo di chúc đứng tên Mẹ tôi? Giờ tôi phải làm gì tiếp theo?

Trả lời:

Căn cứ quy định của pháp luật về đất đai, khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cơ quan có thẩm quyền phải lập hồ sơ xác định rõ về nguồn gốc, thực trạng sử dụng đất, các tranh chấp nếu có phải được giải quyết trước khi cấp Giấy chứng nhận.


Theo như bạn trình bày thì việc dì bạn đã làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất một phần diện tích mà ông ngoại cho mẹ từ năm 1990 (theo di chúc) và đã chuyển nhượng đất cho người khác. Đối với trường hợp của gia đình bạn, mẹ bạn cần xác định rõ mảnh đất đó là của ông bà có các giấy tờ hợp pháp công nhận quyền sử dụng đất theo Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 hay không.

Điều 100. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định mà có một trong các loại giấy tờ sau đây thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất:

- Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;

...

Nếu nhà đất là tài sản do ông bà bạn có đứng tên giấy tờ ở trên để lại cho mẹ bạn bằng di chúc, mà dì bạn lại được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng một phần đất này là không đúng với quy định pháp luật. Để xác định việc cấp Giấy chứng nhận cho dì bạn có đúng quy định hay không, mẹ bạn có thể tìm hiểu những vấn đề sau đây:

- Nguồn gốc hình thành nhà đất? (Do bố mẹ bạn mua, nhận chuyển nhượng/nhận thừa kế, tặng cho? Do bố mẹ bạn khai hoang?...)

- Trước đây, bố mẹ bạn có đứng tên trên bất kỳ giấy tờ gì về nhà đất đó hay không? (Giấy tờ mua bán/thừa kế/tặng cho...)

- Việc cơ quan có thẩm quyền đăng ký tên Dì bạn bạn trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được căn cứ vào đâu? Mẹ bạn có giấy tờ chuyển quyền cho anh trai bạn không?...

Trong trường hợp, mẹ bạn có căn cứ chắc chắn rằng nhà đất là do ông bà bạn để lại, chưa được chia cho các Dì bạn không phải là chủ sử dụng/sở hữu đối với nhà đất đó thì mẹ có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, xác định lại chủ sở hữu/sử dụng tài sản. Nếu xác định được ông bà bạn là chủ sử dụng/sở hữu đối với nhà đất thì mẹ bạn có quyền yêu cầu chia di sản thừa kế (theo di chúc).

Để đòi lại quyền lợi cho mình, mẹ bạn sẽ làm đơn đề nghị hòa giải tới Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có thửa đất đó để được hòa giải theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai 2013. Trong thời hạn 30 ngày, Uỷ ban nhân dân sẽ phối hợp với các thành viên của Mặt trận tố quốc để hòa giải tranh chấp đất đai; Nếu Uỷ ban nhân dân hòa giải không thành thì mẹ bạn có thể gửi đơn đến Tòa án để được giải quyết theo quy định.

Vũ Văn Toàn

Được tư vấn bởi: Luật sư Vũ Văn Toàn

Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội

0978994377

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: [email protected]
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợi