Trả lời:
Căn cứ theo quy định tại điểm a, Khoản 2, Điều 8 Luật Nhà ở năm 2014:
Điều 8. Điều kiện được công nhận quyền sở hữu nhà ở
2. Có nhà ở hợp pháp thông qua các hình thức sau đây:
a) Đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước thì thông qua hình thức đầu tư xây dựng, mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở và các hình thức khác theo quy định của pháp luật;
Bên cạnh đó, căn cứ điểm e, khoản 3, Điều 8 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT được sửa đổi bởi Khoản 1, Điều 7 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT quy định về đăng ký bổ sung đối với tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất đã được cấp Giấy chứng nhận như sau:
e) Văn bản chấp thuận của người sử dụng đất đồng ý cho xây dựng công trình đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật và bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp chủ sở hữu công trình không đồng thời là người sử dụng đất.
Ngoài ra, theo khoản 1, Điều 118 Luật Nhà ở 2014, để được tham gia giao dịch (mua bán) thì nhà ở phải có đủ điều kiện sau:
- Điều kiện 1: Có Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật;
(Trường hợp chủ sở hữu nhà ở không đồng thời là người sử dụng đất ở để được chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (Sổ đỏ) thì ngoài giấy tờ chứng minh về quyền sở hữu nhà ở, phải có văn bản chấp thuận của người sử dụng đất đồng ý cho xây dựng nhà ở đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật và bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất).
- Điều kiện 2: Không thuộc diện đang có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu; đang trong thời hạn sở hữu nhà ở đối với trường hợp sở hữu nhà ở có thời hạn;
- Điều kiện 3: Không bị kê biên để thi hành án hoặc không bị kê biên để chấp hành quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Điều kiện 4: Không thuộc diện đã có quyết định thu hồi đất, có thông báo giải tỏa, phá dỡ nhà ở của cơ quan có thẩm quyền.
Trong trường hợp này, bạn là người thuê đất và có thời hạn trong vòng 15 năm, bạn là chủ sở hữu nhà ở đối với căn nhà bạn xây dựng tuy nhiên không phải là chủ sở hữu hợp pháp thửa đất nên việc bán cho người khác sẽ không thực hiện, bởi lẽ khi hết hạn hợp đồng thuê đất bạn phải giải quyết tài sản trên đất và có thể giải quyết theo hướng sau:
Hướng 1: Hợp đồng thuê đất có thỏa thuận về việc xử lý tài sản sau khi thuê
Nếu trong hợp đồng thuê đất của bạn có thỏa thuận về việc giải quyết tài sản hình thành trên đất thuê thì Nhà nước tôn trọng sự tự thỏa thuận của hai bên và tiến hành giải quyết theo thỏa thuận trong hợp đồng.
Hướng 2: Hợp đồng thuê đất không có thỏa thuận về việc xử lý tài sản sau khi thuê
Nếu hợp đồng không có thỏa thuận thì bạn giải quyết như sau:
+ Bạn và chủ sử dụng đất có thể thương lượng với nhau để bảo đảm quyền lợi cho bạn bằng cách đề nghị chủ sử dụng đất mua lại căn nhà của bạn với một khoản tiền hợp lý.
+ Nếu không thể thỏa thuận được thì bạn có thể làm đơn khởi kiện gửi tới Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bạn đang thuê đất để yêu cầu giải quyết. Bạn cần mang các giấy tờ chứng minh việc tạo lập căn nhà trên đất thuê của bạn là hợp pháp (ví dụ: hợp đồng thuê đất; bản vẽ xây dựng; giấy phép xây dựng (nếu có),…). Khi đó, Tòa án sẽ dựa vào các tài liệu, chứng cứ mà các bên cung cấp để ra bản án.
Xem thêm: Thời hạn sở hữu nhà ở và hồ sơ, thủ tục gia hạn
Trên đây là nội dung tư vấn cho câu hỏi “Có quyền sở hữu nhà ở xây dựng trên đất thuê không? dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!