Trả lời:
1/ Có được phép cải tạo, thay đổi cơ cấu xe không?
Theo quy định tại Điều 55 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, việc sản xuất, lắp ráp, cải tạo, sửa chữa, bảo dưỡng và nhập khẩu xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ phải tuân theo quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Đồng thời, chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, hệ thống của xe không đúng thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Đặc biệt: Cũng tại quy định nêu trên, các xe ô tô khác không được cải tạo thành xe ô tô chở khách.
Ngoài ra, tại Điều 4 Thông tư 85/2014/TT-BGTVT cũng khẳng định, việc cải tạo xe cơ giới và xe cơ giới sau khi cải tạo phải phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Đáng chú ý, không cải tạo xe cơ giới trong các trường hợp sau:
- Không cải tạo hệ thống treo của xe cơ giới;
- Không cải tạo xe cơ giới loại khác thành xe chở người và ngược lại trừ cải tạo xe ô tô chở người từ 16 chỗ (kể cả chỗ người lái) trở xuống thành xe ô tô tải VAN);
- Không cải tạo hệ thống lái của xe cơ giới, trừ trường hợp cải tạo đối với xe cơ giới tay lái nghịch được nhập khẩu;
- Không cải tạo tăng kích thước khoang chở hành lý của xe chở người…
Như vậy, có thể thấy, xe cơ giới có thể được thay đổi, cải tạo cơ cấu. Tuy nhiên, chủ phương tiện không được phép tự ý làm mà phải tuân theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
2/ Cơ quan thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cải tạo
Cũng theo quy định tại Điều 11 Thông tư nêu trên, xe cơ giới sau cải tạo đã nghiệm thu đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định thì được cấp Giấy chứng nhận cải tạo.
Lúc này, Giấy chứng nhận cải tạo sẽ gồm 02 liên, cấp cho chủ xe để làm thủ tục kiểm định và đăng ký biển số.
Trong đó, một trong những trách nhiệm của đơn vị đăng kiểm xe cơ giới là nghiệm thu và cấp Giấy chứng nhận cải tạo.
Như vậy, nếu bạn muốn được cấp Giấy chứng nhận cải tạo thì cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy này là các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới.