Nghỉ làm vì dịch Covid-19 có được trả lương không?

Câu hỏi:

Thưa Luật sư! Hiện chúng tôi đang làm việc tại một doanh nghiệp về lĩnh vực giáo dục đào tạo thuộc Tập Đoàn phát triển giáo dục quốc tế Đông Dương tại quận 3, TP. HCM. Trong tháng 3/2020 tiền lương chúng tôi nhận được rất thấp dưới mức tối thiểu vùng. Khi hỏi ra thì phía doanh nghiệp trả lời bằng việc thống kê tất cả ngày phép năm và ngày nghỉ của chúng tôi từ 1/1/2019 - 31/3/2020 và cứ thế họ trừ trực tiếp trong tiền lương thẳng thừng. Những ngày nghỉ trước đó như: nghỉ vì dịch covid-19 trong tháng 2/2020 họ cũng truy trừ vào tiền lương tháng 3/2020, trong kỳ nghỉ đông (theo quy định của trường) và kỳ nghỉ tết âm lịch vừa qua họ buộc chúng tôi nghỉ trước ngày quy định của nhà nước rồi họ cũng truy trừ ... Và sau đó họ ra thông báo buộc người lao động phải tất toán những ngày nghỉ trước đó nếu ai còn phép thì trừ vào phép còn không đủ thì trừ thẳng vào tiền lương. Họ luôn nói và vận động người lao động chia sẻ khó khăn chung, nhưng thực tế họ làm vậy là đúng hay sai? Còn vấn đề bảo hiểm xã hội trong tháng 3/2020 này họ vẫn trừ tiền nộp tất cả các khoảng của bảo hiểm xã hội. Và doanh nghiệp này họ chưa trích nộp tiền bảo hiểm xã hội cho người lao động từ tháng 01/2020 đến nay. Vậy việc làm của doanh nghiệp này có đúng với quy định của pháp luật về lao động tiền lương và bảo hiểm hay không? Nếu chúng tôi muốn phản ánh thì sẽ phản ánh với ai, phản ánh như thế nào đúng quy định? Mong quý luật sư giải đáp thắc mắc của chúng tôi. Xin chân thành cảm ơn!

Trả lời:

Chào bạn,

Câu hỏi của bạn trên LuatVietnam được Luật sư Vũ Thị Bích Hương – Công ty Luật Tiền Phong tư vấn như sau:

Thứ nhất, về việc công ty đã khấu trừ lương những ngày người lao động nghỉ là sai

Bộ luật Lao động 2012 quy định về thời giờ làm việc bình thường tại Điều 104 của người lao động là tối đa 48h/tuần, 08h/ngày. Như vậy, người lao động được nghỉ cuối tuần (1 hoặc 2 ngày tuỳ theo sự thoả thuận với người sử dụng lao động lao động).

Về chế độ nghỉ phép năm, trong điều kiện làm việc bình thường người lao động được nghỉ phép 12 ngày phép nếu làm đủ 12 tháng (Điều 111 Bộ luật Lao động 2012). Ngoài ra, người lao động được nghỉ các ngày tết, lễ theo quy định tại Điều 115 Bộ luật Lao động 2012 mỗi năm 09 ngày và được hưởng nguyên lương.

Như vậy, căn cứ vào quy định trên, người sử dụng lao động vẫn phải trả nguyên lương cho người lao động trong những ngày nghỉ. Bạn đối chiếu với quy định về nghỉ phép xem mình đủ điều kiện hưởng phép chưa, nếu đủ điều kiện hưởng phép thì bạn được nghỉ phép và hưởng nguyên lương trong những ngày nghỉ.

Thứ hai, về nghỉ việc và tiền lương trong những ngày nghỉ việc do dịch

Điều 98 Bộ luật Lao động 2012 quy định: Nếu người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh phải cho người lao động nghỉ việc thì tiền lương do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Lương tối thiểu vùng:

Theo Nghị định 90/2019//NĐ-CP thì mức lương tối thiểu vùng được áp dụng từ năm 2020 theo các vùng như sau:

- Vùng 1: 4,42 triệu đồng/tháng

- Vùng 2: 3,92 triệu đồng/tháng.

- Vùng 3: 3,43 triệu đồng/tháng.

- Vùng 4: 3,07 triệu đồng/tháng.

Thành phố Hồ Chí Minh thuộc vùng 1.

Về trách nhiệm của người sử dụng lao động về bảo hiểm xã hội

Việc trừ tiền bảo hiểm xã hội khi trả lương:

Điều 85 Bộ luật Lao động năm 2012 và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì người sử dụng lao động khi trả lương cho người lao động phải trích lại khoản tiền bảo hiểm xã hội mà người lao động phải nộp để chi trả cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

Kỳ đóng bảo hiểm:

Theo Điều 86 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 và Quyết định 595/QĐ-BHXH thì doanh nghiệp phải đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng và chậm nhất đến ngày cuối cùng của tháng phải chuyển vào tài khoản chuyên thu của cơ quan bảo hiểm xã hội mở tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước.

Do đó, việc công ty bạn trừ tiền bảo hiểm xã hội của người lao động nhưng chậm nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội là vi phạm về thời hạn nộp tiền bảo hiểm xã hội. Công ty bạn sẽ phải trả lãi chậm nộp cho cơ quan bảo hiểm theo quy định. Ngoài ra, còn bị phạt hành chính theo quy định tại Điều 38 Nghị định 28/2020//NĐ-CP như sau: Phạt tiền từ 12-15% số tiền phải đóng tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính, tối đa không quá 75 triệu đồng.

Quyền của người lao động trước vi phạm của NSDLĐ:

Với vi phạm của người sử dụng lao động thì người lao động có quyền làm đơn phản ánh đến:

+ Hội đồng hòa giải của công ty (nếu có) hoặc hòa giải viên lao động của phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện nơi công ty đặt trụ sở để yêu cầu giải quyết. Trường hợp hòa giải không thành hoặc quá thời hạn giải quyết (05 ngày làm việc) mà không được giải quyết thì bạn có thể yêu cầu Tòa án nhân dân quận, huyện nơi công ty có trụ sở để yêu cầu giải quyết (đối với trường  hợp về  tiền lương).

+ Ban Giám đốc công ty, tổ chức công đoàn công ty, trường hợp không được giải quyết  hoặc không đồng ý thì bạn khiếu nại tới Thanh tra sở Thương binh và xã hội nơi công ty đặt trụ sở chính. Trường hợp không được giải quyết hoặc không đồng ý bạn có thể khởi kiện đến cơ quan cấp trên trực tiếp hoặc khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân quận, huyện nơi công ty có trụ sở để yêu cầu giải quyết(đối với trường hợp về BHXH).

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật sư, hi vọng giúp làm sáng tỏ vấn đề mà bạn quan tâm.

Trân trọng./.

Vũ Thị Bích Hương

Được tư vấn bởi: Luật sư Vũ Thị Bích Hương

Công ty Luật Tiền Phong

www.luattienphong.vn

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: [email protected]
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợiTổng đài Tư vấn Pháp luật