Có được nhận tặng cho đất của người khuyết tật không?

Câu hỏi:

Xin hỏi LuatVietnam: Bố mẹ tôi đồng sở hữu 400m2 đất, bố tôi mất đi không để lại di chúc, bố mẹ tôi có 2 người con, trong đó 1 người bị khuyết tật, nay tôi muốn làm thủ tục để sang tên toàn bộ thửa đất cho mẹ tôi. Vậy, luật sư cho tôi hỏi, gia đình tôi có thể làm văn bản từ chối nhận di sản của người con bị khuyết tật để sang tên đất cho mẹ tôi được không? Cần phải thực hiện như thế nào? Xin cảm ơn!

Trả lời:

Gia đình bạn đang muốn lập văn bản từ chối nhận di sản thừa kế của người con bị khuyết tật với nội dung từ chối nhận phần di sản thừa kế do bố bạn để lại.

Điều 620 Bộ luật dân sự quy định về việc từ chối nhận di sản như sau:

Điều 620. Từ chối nhận di sản

1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.

2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.

3. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.

Như vậy, pháp luật hiện chỉ quy định về hình thức của văn bản từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản, không quy định văn bản này có bắt buộc phải được công chứng hay không. Tuy nhiên, để đảm bảo sự chặt chẽ, khách quan thì người từ chối nhận di sản có thể tự nguyện yêu cầu công chứng văn bản từ chối của mình.

Điều 116 Bộ luật dân sự định nghĩa: Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Theo đó, việc từ chối nhận di sản thừa kế là hành vi pháp lý đơn phương làm chấm dứt quyền thừa kế của người được hưởng thửa kế. Vì vậy, đây là giao dịch dân sự.

Để xác định văn bản từ chối nhận di sản của người con có giá trị pháp lý hay không thì cần xét giao dịch này có đủ điều kiện để có hiệu lực hay không. Cụ thể, tại Điều 117 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự như sau:

Điều 117. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.

 Đối chiếu quy định trên, văn bản từ chối nhận di sản của người con sẽ chỉ có hiệu lực khi chủ thể tham gia là người con này có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch được xác lập.

Trong đó, năng lực hành vi dân sự được định nghĩa tại Điều 19 Bộ luật dân sự như sau: “Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự”.

Bên cạnh đó, Điều 22 Bộ luật dân sự quy định: Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần. Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.

Do đó, Văn bản từ chối nhận di sản thừa kế của người con bị khuyết tật sẽ không có hiệu lực khi người con này thuộc trường hợp bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc đủ điều kiện tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự. Cụ thể là khi người con này bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ hành vi của mình.

Tang-cho-dat

Vì bạn chỉ cung cấp thông tin một người con của bố bạn bị khuyết tật nhưng không rõ người này bị dạng tất nào.

Căn cứ khoản 1 Điều 2 Luật người khuyết tật năm 2010 định nghĩa: Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.

Về việc phân loại dạng tật, Điều 3 Luật người khuyết tật đã có quy định và được hướng dẫn cụ thể tại Điều 2 Nghị định 28/2012/NĐ-CP như sau:

Điều 2. Dạng tật

1. Khuyết tật vận động là tình trạng giảm hoặc mất chức năng cử động đầu, cổ, chân, tay, thân mình dẫn đến hạn chế trong vận động, di chuyển.

2. Khuyết tật nghe, nói là tình trạng giảm hoặc mất chức năng nghe, nói hoặc cả nghe và nói, phát âm thành tiếng và câu rõ ràng dẫn đến hạn chế trong giao tiếp, trao đổi thông tin bằng lời nói.

3. Khuyết tật nhìn là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhìn và cảm nhận ánh sáng, màu sắc, hình ảnh, sự vật trong điều kiện ánh sáng và môi trường bình thường.

4. Khuyết tật thần kinh, tâm thần là tình trạng rối loạn tri giác, trí nhớ, cảm xúc, kiểm soát hành vi, suy nghĩ và có biểu hiện với những lời nói, hành động bất thường.

5. Khuyết tật trí tuệ là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhận thức, tư duy biểu hiện bằng việc chậm hoặc không thể suy nghĩ, phân tích về sự vật, hiện tượng, giải quyết sự việc.

6. Khuyết tật khác là tình trạng giảm hoặc mất những chức năng cơ thể khiến cho hoạt động lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn mà không thuộc các trường hợp được quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này.

Qua đó có thể thấy, người khuyết tật bao gồm cả người có khiếm khuyết về cơ thể và khiếm khuyết về trí tuệ.

Tuy nhiên, chỉ người bị khuyết tật thần kinh, tâm thần hoặc khuyết tật trí tuệ mới làm ảnh hưởng đến khả năng nhận thức, điều khiển hành vi và thuộc trường hợp không có năng lực hành vi dân sự để tham gia giao dịch dân sự.

Vì vậy, nếu người con này bị khuyết tật thần kinh, tâm thần hoặc khuyết tật trí tuệ thì gia đình bạn cho người con này lập Văn bản từ chối nhận di sản là không phù hợp vì văn bản này không đủ điều kiện có hiệu lực. Trường hợp người con này chỉ bị khuyết tật về cơ thể thì vẫn sẽ có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và có đủ khả năng thực hiện việc lập Văn bản từ chối nhận di sản.

Xem thêm: Công ước về quyền của người khuyết tật

Trên đây là nội dung tư vấn cho câu hỏi “Có được nhận tặng cho đất của người khuyết tật không?” dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn! 

Nguyễn Hồng Tâm

Được tư vấn bởi: Luật sư Nguyễn Hồng Tâm

Công ty luật TNHH Chí Công & Thiện Tâm

Luatcongtam.com.vn- 0972810901

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: [email protected]
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợi