Trả lời:
Có được lập vi bằng di chúc không?
Trước tiên, đối với thuật ngữ “Vi bằng”, khoản 3, Điều 2 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP đưa ra định nghĩa như sau:
Điều 2. Giải thích từ ngữ
[…]
3. Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định này.
Đối với thuật ngữ “Di chúc”, Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015 đưa ra định nghĩa như sau:
Điều 624. Di chúc
Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.
Theo quy định tại Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015, di chúc hợp pháp khi đáp ứng đủ các điều kiện sau: người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc và không bị cưỡng ép, lừa dối, đe dọa; nội dung của di chúc không vi phạm các điều cấm của luật, không trái với đạo đức xã hội; hình thức của di chúc không trái quy định của luật. Trong đó:
- Nội dung của di chúc bao gồm các thông tin về: thời gian lập di chúc (ngày, tháng, năm); họ và tên, nơi cư trú của người lập di chúc; họ và tên của người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản; di sản để lại và nơi có di sản. Đây là những thông tin bắt buộc phải có, ngoài ra di chúc còn có thể có các nội dung khác.
- Hình thức của di chúc gồm: di chúc bằng văn bản (có người làm chứng, không có người làm chứng, công chứng, chứng thực) và di chúc miệng.
Có thể thấy vấn đề tiên quyết của việc lập di chúc là ý chí của người lập di chúc, Thừa phát lại sẽ là bên thứ ba ghi nhận lại sự kiện, hành vi lập di chúc của người lập di chúc.
Như vậy, lập vi bằng di chúc là việc Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến và lập văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi lập di chúc của người lập di chúc theo quy định của pháp luật. Việc lập di chúc cũng không thuộc các trường hợp không được lập vi bằng, do đó, việc lập vi bằng di chúc là hoàn toàn hợp pháp.
Giá trị của việc lập vi bằng di chúc
Vi bằng di chúc được lập bởi Thừa phát lại - người có đủ các điều kiện và được Nhà nước bổ nhiệm theo quy định của pháp luật, có giá trị pháp lý. Đây là nguồn chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc của Tòa án và các Cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ngoài ra, vi bằng sau khi được Thừa phát lại lập sẽ được đăng ký tại Sở Tư pháp. Điều này chứng tỏ vi bằng sẽ chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước, đảm bảo giá trị pháp lý của vi bằng.
Thủ tục lập vi bằng di chúc
Thủ tục lập vi bằng được quy định tại Điều 39 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP. Theo đó, việc lập vi bằng di chúc gồm các bước sau:
1. Chuẩn bị các giấy tờ, tài liệu
Trước khi yêu cầu lập vi bằng di chúc, người yêu cầu lập vi bằng cần chuẩn bị một số các giấy tờ như: giấy tờ tùy thân (chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân còn giá trị sử dụng); giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản đối với các tài sản phải đăng ký;...
2. Yêu cầu lập vi bằng di chúc
Người có yêu cầu lập vi bằng di chúc có thể đến Văn phòng Thừa phát lại hoặc liên hệ thông qua các phương thức khác như số điện thoại, email của Văn phòng Thừa phát lại để trình bày nội dung yêu cầu của mình.
Sau khi trình bày, thư ký nghiệp vụ hoặc Thừa phát lại sẽ tiếp nhận yêu cầu cũng như tư vấn thêm các vấn đề liên quan đến việc lập vi bằng di chúc.
Người có yêu cầu lập di chúc sẽ điền thông tin vào phiếu yêu cầu lập vi bằng và thỏa thuận thêm các thông tin như: nội dung sự việc; thời gian và địa điểm lập vi bằng; chi phí lập vi bằng; thời gian và địa điểm giao, nhận vi bằng và các thỏa thuận khác (nếu có).
3. Tiến hành lập vi bằng di chúc
Sau khi đã thỏa thuận thống nhất các vấn đề trên, Thừa phát lại sẽ đến đúng địa điểm và thời gian mà bên người yêu cầu lập vi bằng di chúc yêu cầu và tiến hành trực tiếp chứng kiến, ghi nhận toàn bộ sự kiện, hành vi lập di chúc. Ngoài văn bản mô tả, Thừa phát lại còn có thể quay phim, chụp ảnh, ghi âm,... để ghi nhận lại sự kiện, hành vi lập di chúc một cách khách quan, toàn diện nhất.
Khi lập vi bằng, Thừa phát lại phải giải thích rõ cho người yêu cầu lập vi bằng di chúc về giá trị pháp lý của vi bằng. Người yêu cầu lập vi bằng di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào vi bằng.
Vi bằng lập di chúc phải được Thừa phát lại ký vào từng trang, đóng dấu Văn phòng Thừa phát lại và ghi vào sổ vi bằng. Vi bằng phải được gửi cho người yêu cầu lập vi bằng di chúc và được lưu trữ tại Văn phòng Thừa phát lại theo quy định của pháp luật về lưu trữ như đối với văn bản công chứng.
4. Đăng ký vi bằng di chúc tại Sở Tư pháp
Trong vòng 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc lập vi bằng, Văn phòng Thừa phát lại phải gửi vi bằng và các tài liệu chứng minh (nếu có) đến Sở Tư pháp nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở để vào sổ đăng ký. Trong vòng 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được vi bằng, Sở Tư pháp phải vào sổ đăng ký vi bằng.
Vi bằng di chúc chỉ có giá trị sau khi đã được đăng ký tại Sở Tư pháp.
Xem thêm: Thủ tục lập di chúc đơn giản, nhanh gọn và đúng chuẩn
Trên đây là nội dung tư vấn về “Có được lập vi bằng di chúc không?” dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!