Trả lời:
Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con chưa thành niên
Căn cứ Điều 68 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định bảo vệ quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con như sau:
Điều 68. Bảo vệ quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con
1. Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con theo quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan được tôn trọng và bảo vệ.
2. Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình được quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
3. Giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi có các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con được quy định tại Luật này, Luật nuôi con nuôi, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
4. Mọi thỏa thuận của cha mẹ, con liên quan đến quan hệ nhân thân, tài sản không được làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Ngoài ra, tại Điều 71 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng như sau:
Điều 71. Nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng
1. Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
2. Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.
Theo quy định nêu trên, quyền và nghĩa vụ của cha mẹ với con theo quy định được pháp luật tôn trọng và bảo vệ, cha mẹ có quyền và nghĩa vụ ngang nhau đối với con, cùng chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động, tài sản để nuôi bản thân.
Theo thông tin bạn cung cấp, bạn và vợ của mình có một con chung 2 tuổi, do mâu thuẫn, vợ bạn có thể bế con bỏ đi bất cứ lúc nào, hành vi tự ý đưa con đi mà không có sự thỏa thuận của vợ bạn là hành vi trái pháp luật, cản trở quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con của bạn. Theo đó, bạn có thể liên hệ trực tiếp với các cơ quan, đoàn thể, ban ngành địa phương để can thiệp, xử lý.
Tự ý đưa con bỏ đi sẽ bị xử lý thế nào?
Căn cứ Điều 56 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa cha, mẹ và con như sau:
Điều 56. Hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của toà án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau.
Như vậy, với hành vi đưa con bỏ nhà đi nhằm ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa cha và con thì vợ của bạn có thể bị xử phạt hành chính từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Xem thêm: Giành quyền nuôi con khi ly hôn: Toàn bộ quy định cần biết
Trên đây là nội dung tư vấn cho câu hỏi "Chưa ly hôn, vợ tự ý bế con bỏ nhà đi thì phải làm sao?” dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!