Chồng là người nước ngoài, vợ bán đất có cần chồng kí tên không?

Câu hỏi:

Xin hỏi LuatVietnam: Tôi có chồng quốc tịch Úc. Năm 2002 chúng tôi đăng kí kết hôn tại Việt Nam. Năm 2008 chúng tôi mua một mảnh đất ở quận Thủ Đức, đứng tên một mình tôi. Nay tôi muốn bán mảnh đất đó. Xin hỏi khi bán có cần chồng tôi đồng ý và ký tên không? Chồng tôi đang ở nước ngoài, nếu bắt buộc phải có ý kiến đồng ý của chồng mà chồng không thể về Việt Nam được thì phải làm sao? Xin cảm ơn!

Trả lời:

Trả lời:

Theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014, trường hợp có vợ, chồng là người nước ngoài nhưng kết hôn ở Việt Nam thì chế độ tài sản áp dụng theo quy định Luật Hôn nhân và gia đình 2014 (sau đây gọi chung là LHNGĐ).

Theo đó, căn cứ Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về tài sản riêng của vợ chồng như sau:

Điều 43. Tài sản riêng của vợ, chồng

1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.

Căn cứ Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về tài sản chung của vợ chồng như sau:

Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng

1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

Căn cứ quy định pháp luật hiện hành, nếu vợ, chồng không có thỏa thuận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sau đây gọi chung là GCNQSDĐ) đứng tên một người thì trong GCNQSDĐ phải ghi tên cả vợ và chồng khi nhà, đất là tài sản chung của vợ chồng.

Khi trên GCNQSDĐ chỉ có tên một người vợ hoặc chồng thì theo Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP, trong trường hợp tài sản do vợ, chồng có được trong thời kỳ hôn nhân mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, nhưng trong giấy chứng nhận quyền sở hữu chỉ ghi tên của vợ hoặc chồng thì được xác định như sau:

Thứ nhất, nếu không có tranh chấp thì đó là tài sản chung của vợ chồng;

Thứ hai, nếu có tranh chấp là tài sản riêng thì người có tên trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải chứng minh được tài sản này do được thừa kế riêng, được tặng riêng trong thời kỳ hôn nhân hoặc tài sản này có được từ nguồn tài sản riêng quy định tại khoản 1, Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Trong trường hợp không chứng minh được tài sản đang có tranh chấp này là tài sản riêng thì theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 tài sản đó là tài sản chung của vợ chồng.

Theo như bạn trình bày, bạn và chồng kết hôn với nhau từ năm 2002, đến năm 2008 cả hai cùng nhau mua mảnh đất ở quận Thủ Đức, thống nhất đứng tên của bạn. Do đó, dù đứng tên một mình bạn nhưng đây là tài sản phát sinh trong thời kỳ hôn nhân, do cả hai vợ chồng cùng nhau tạo ra. Chính vì vậy, đây có thể được coi là tài sản chung của cả hai vợ chồng. Căn cứ khoản 2, Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định:

2. Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây:

a) Bất động sản;

b) Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu;

c) Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình.

Như vậy, bạn không được tự ý chuyển nhượng mà phải có sự đồng ý bằng văn bản của chồng bạn. Tuy nhiên theo như bạn trình bày chồng bạn đang ở nước ngoài, không thể có mặt được do đó việc chuyển nhượng có thể thực hiện bằng cách thức sau đây:

Người chồng có thể ủy quyền cho vợ thực hiện việc bán đất:

Do chồng bạn đang ở nước ngoài nên theo quy định tại khoản 1, Điều 78 Luật Công chứng , người chồng có thể đến cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài dể công chứng văn bản uỷ quyền về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Sau khi chồng bạn thực hiện thủ tục công chứng văn bản uỷ quyền và gửi về Việt Nam, bạn sẽ cầm bản hợp đồng uỷ quyền đã được công chứng ở nước ngoài đó đến tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam để tiến hành công chứng một lần nữa. Khi đã hoàn thành thủ tục công chứng này tại Việt Nam thì bạn hoàn toàn có quyền tiến hành thủ tục mua bán, chuyển nhượng nhà đất theo đúng những gì đã thoả thuận với người chồng và nội dung hợp đồng uỷ quyền. 

Xem thêm: Được tự ý bán nhà đất khi có vợ chồng là người nước ngoài?

Trên đây là nội dung tư vấn cho câu hỏi “Chồng là người nước ngoài, vợ bán đất có cần chồng kí tên không?” dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: tuvan@luatvietnam.vn
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY