Trả lời:
Điều 16 Nghị định 126/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định:
“Điều 16. Cung cấp thông tin về chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận trong giao dịch với người thứ ba
Trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được áp dụng thì khi xác lập, thực hiện giao dịch vợ, chồng có nghĩa vụ cung cấp cho người thứ ba biết về những thông tin liên quan; nếu vợ, chồng vi phạm nghĩa vụ này thì người thứ ba được coi là ngay tình và được bảo vệ quyền lợi theo quy định của Bộ luật Dân sự.”
Trong trường hợp này, anh A và chị B đã kết hôn với nhau từ năm 2005. Sau đó năm 2008 thì anh A có tài khoản ngân hàng đứng tên anh A vậy nên tài khoản ngân hàng này sẽ thuộc tài sản chung của anh A và chị B.
Anh A có cho anh C vay nhưng khi thực hiện giao dịch thì Anh A đã không cung cấp những thông tin liên quan cho anh C mặc dù việc cung cấp thông tin đó là nghĩa vụ của anh A. Như vậy theo quy định tại Điều 16 thì Anh C trong trường hợp này được coi là ngay tình và được bảo vệ quyền lợi theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành.
Điều 32 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
“Điều 32. Giao dịch với người thứ ba ngay tình liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán và động sản khác mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng.
1. Trong giao dịch với người thứ ba ngay tình thì vợ, chồng là người đứng tên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó.
2. Trong giao dịch với người thứ ba ngay tình thì vợ, chồng đang chiếm hữu động sản mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó trong trường hợp Bộ luật dân sự có quy định về việc bảo vệ người thứ ba ngay tình.”
Khoản 1 Điều 133 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
“1. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch được xác lập, thực hiện với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 167 của Bộ luật này.”
Dẫn chiếu đến Điều 167 Bộ luật Dân sự 2015 quy định :
“Điều 167. Quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình
Chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình trong trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản; trường hợp đồng này là hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu.”
Trong tình huống trên thì anh A giao dịch với anh C là người thứ ba ngay tình đã được chứng minh bên trên và Anh A đã đứng tên tài khoản ngân hàng năm 2008 thì theo Điều 32 anh A là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài khoản ngân hàng với anh C.
Vậy nên Anh A rút tiền ngân hàng cho C vay là giao dịch dân sự hợp pháp. A cho C vay là tài sản chung vợ chồng giữa anh A và chị B (Do anh A và chị B kết hôn từ năm 2005 mà tài khoản anh A mở và đứng tên là năm 2008 là tài sản có được sau khi kết hôn). Tuy nhiên, nó là động sản hơn nữa nó nằm trong tài khoản Ngân hàng của A nên A có quyền định đoạt đối với tài sản này.
Vậy, trong trường hợp này, chị B không có quyền yêu cầu tuyên bố giao dịch giữa anh A và anh C vô hiệu. Và anh C là người thứ ba ngay tình và sẽ được pháp luật bảo vệ theo quy định tại Bộ luật Dân sự hiện hành.
Trên đây là nội dung tư vấn dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!