Trong thời gian chờ xử lý kỷ luật lao động thì người lao động có được đóng BHXH không?

Câu hỏi:

Xin hỏi LuatVietnam: Tôi đang là nhân sự của một công ty về lĩnh vực sản xuất. Tháng 04/2023, có người đang động đã nhận tiền hàng của khách mà chưa hoàn trả về công ty theo đúng thời gian quy định và hiện tại công ty tôi đang xem xét áp dụng hình thức kỷ luật nào với người lao động này. Trong thời gian chờ xử lý kỷ luật lao động người lao động này vẫn đi làm và hưởng lương như bình thường. Vậy xin hỏi, trong thời gian chờ xử lý thì có phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động không? Các hành vi nào bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động? Căn cứ pháp lý? Xin cảm ơn!

Trả lời:

Trong thời gian chờ xử lý kỷ luật lao động người lao động có phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không?

Theo nội dung bạn trình bày, đồng nghiệp của bạn đang bị xem xét áp dụng hình thức kỷ luật do có vi phạm. Tuy nhiên, Công ty không tạm định chỉ lao động đối với người này mà vẫn cho đi làm và hưởng lương bình thường. Căn cứ quy định Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc như sau:

Điều 29. Tạm dừng đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội

1. Tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà bị tạm giam được thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 16 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP.

2. Người lao động bị tạm đình chỉ công việc thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội.

Hết thời hạn tạm đình chỉ công việc, nếu người lao động được trả đủ tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc thì người lao động và người sử dụng lao động thực hiện việc đóng bù bảo hiểm xã hội cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc. Số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng theo quy định tại khoản 3 Điều 122 của Luật bảo hiểm xã hội.

Như vậy, đối chiếu quy định tại khoản 2, Điều 29 nêu trên, vì người đồng nghiệp của bạn không bị tạm đình chỉ lao động mà vẫn được đi làm và hưởng lương bình thường cho nên không thuộc đối tượng tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, theo khoản 4, Điều 42 Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 quy định như sau:

Điều 42. Quản lý đối tượng

...

4. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH.

Theo quy định nêu trên thì người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH.

Vậy nếu hợp đồng lao động giữa người lao động và phía công ty vẫn còn hiệu lực và người lao động vẫn đi làm, có hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì công ty bạn vẫn sẽ phải đóng BHXH bắt buộc cho người lao động theo đúng quy định.

Các hành vi nào bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động?

Vấn đề về các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động được quy định cụ thể tại Bộ luật Lao động năm 2019 như sau:

Điều 127. Các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động

1. Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín, nhân phẩm của người lao động.

2. Phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.

3. Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không có quy định.

Không xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động trong trường hợp nào?

Căn cứ khoản 5, Điều 122 Bộ luật Lao động 2019 quy định những trường hợp không xử lý kỷ luật lao động với người lao động như sau:

Điều 122. Nguyên tắc, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động

...

4. Không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây:

a) Nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động;

b) Đang bị tạm giữ, tạm giam;

c) Đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 125 của Bộ luật này;

d) Người lao động nữ mang thai; người lao động nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

5. Không xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động vi phạm kỷ luật lao động trong khi mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

Theo quy định không xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động vi phạm kỷ luật lao động trong khi mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

Xem thêm: Quy trình xử lý kỷ luật lao động mọi doanh nghiệp cần nắm rõ

Trên đây là nội dung tư vấn cho câu hỏi “Trong thời gian chờ xử lý kỷ luật lao động thì người lao động có được đóng BHXH không?” dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: tuvan@luatvietnam.vn
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY