Trả lời:
Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó giám đốc Công ty Luật TNHH TGS – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội trả lời:
Theo thông tin mà bạn cung cấp thì tôi hiểu thửa đất có nguồn gốc là do ông cha để lại cho bố mẹ bạn. Bố bạn chết trước bà nội bạn và không có di chúc. Thửa đất này đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (“Giấy chứng nhận”) mang tên chủ sử dụng đất là mẹ bạn. Căn cứ vào nội dung này, tôi xin tư vấn cho bạn như sau:
Trường hợp thứ nhất, giữa bố và mẹ của bạn không có thỏa thuận thửa đất là tài sản riêng của mẹ bạn.
Theo quy định của pháp luật thì thửa đất sẽ là tài sản chung của bố mẹ bạn, nếu bố mẹ bạn không có sự thỏa thuận nào khác thì về nguyên tắc chung bố và mẹ bạn, mỗi người sẽ có quyền sử dụng đối với một nửa (½) thửa đất này.
Do đó, khi bố bạn chết và không có di chúc thì phần quyền sử dụng đất của bố bạn sẽ trở thành di sản thừa kế và được chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bố bạn, bao gồm: vợ, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của bố bạn, nếu những người này còn sống vào thời điểm mở thừa kế (thời điểm bố bạn chết) hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi bố bạn chết. Những người thừa kế này sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau đối với phần quyền sử dụng đất là di sản của bố bạn.
Theo các quy định nêu trên thì ngoài mẹ bạn, các con đẻ của bố mẹ bạn, thì bà nội hoặc những người thừa kế khác như nêu trên mà còn sống vào thời điểm mở thừa kế (nếu có) cũng sẽ được hưởng thừa kế đối với phần quyền sử dụng đất là di sản của bố bạn. Nếu hiện nay, bà nội bạn đã chết thì phần quyền thừa kế của bà nội bạn sẽ được chuyển cho các đồng thừa kế của bà nội bạn. Vì vậy, việc xác định, phân chia phần quyền sử dụng đất là di sản thừa kế của bố bạn sẽ dựa trên sự thỏa thuận và phân chia của những người đồng thừa kế nêu trên theo quy định của pháp luật.
Vì vậy, nếu việc cấp Giấy chứng nhận cho mẹ bạn là được thực hiện sau khi bố bạn chết, thì việc cấp Giấy chứng nhận này chỉ được coi là hợp pháp, nếu đã thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế, có sự đồng ý của tất cả những người đồng thừa kế nêu trên của bố bạn. Trong trường hợp này, mẹ bạn có thể làm thủ tục tách thửa (chuyển quyền sử dụng đất) cho các con, nếu thửa đất là không có tranh chấp, không bị kê biên để bảo đảm thi hành án, và còn thời hạn sử dụng đất theo quy định tại Điều 188 Luật Đất đai năm 2013 mà không cần phải có sự đồng ý của những người thừa kế của bố bạn.
Ngược lại, nếu khi mẹ bạn được cấp Giấy chứng nhận mà chưa thực hiện các thủ tục khai nhận di sản thừa kế nêu trên, thì việc cấp Giấy chứng nhận cho mẹ bạn là không hợp pháp, thuộc trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận theo quy định tại Điều 106 Luật Đất đai năm 2013. Và khi đó, phần quyền sử dụng đất là di sản của bố bạn vẫn được coi là tài sản chung của các đồng thừa kế và các đồng thừa kế sẽ phải làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế, để cùng thỏa thuận, xác định và phân chia phần quyền sử dụng đất này quy định của pháp luật.
Nếu việc cấp Giấy chứng nhận cho mẹ bạn là trước khi bố bạn mất, thì thửa đất vẫn được xác định là tài sản chung của bố mẹ bạn. Do vậy, việc xác định và phân chia phần quyền sử dụng đất là di sản thừa kế của bố bạn vẫn sẽ phải dựa trên sự thỏa thuận và thống nhất của các đồng thừa kế nêu trên theo đúng quy định của pháp luật.
Trường hợp thứ hai, giữa bố và mẹ bạn có thỏa thuận về việc thửa đất là tài sản riêng của mẹ bạn.
Nếu giữa bố và mẹ bạn có thỏa thuận (bằng văn bản, có công chứng hoặc chứng thực hợp pháp) về việc xác định thửa đất là tài sản riêng của mẹ bạn, thì mẹ bạn sẽ là chủ sử dụng hợp pháp đối với toàn bộ thửa đất. Trong trường hợp này, mẹ bạn có quyền tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất cho các con mà không cần phải có sự đồng ý của các đồng thừa kế của bố bạn.
Như vậy, nếu giữa bố và mẹ bạn không có thỏa thuận về việc thửa đất là tài sản riêng của mẹ bạn, và các đồng thừa kế cũng chưa làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế, thì các đồng thừa kế cần làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế, thỏa thuận về việc xác định và phân chia phần quyền sử dụng đất là di sản thừa kế của bố bạn theo quy định của pháp luật. Trong trường hơp, các đồng thừa kế không thể tự thỏa thuận được thì có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu Tòa án giải quyết, thực hiện việc xác định và phân chia di sản thừa kế của bố bạn theo quy định của pháp luật.