Chia di sản của vợ chồng khi chưa đăng ký kết hôn ra sao?

Câu hỏi:

Bố cháu có quan hệ với một người phụ nữ khác và có một người con riêng sinh năm 1973. Theo mọi người kể thì bố cháu dắt bà này về ở với nhau một thời gian thì bố cháu bị đi tù. Trong thời gian bố cháu đi tù thì bà này không chăm lo gia đình, thường xuyên đi sớm về khuya nên bố cháu và bà này bỏ nhau. Tới năm 1980, bố mẹ cháu quen nhau và đến năm 1982 thì tổ chức đám cưới. Ngày bố mẹ cháu cưới nhau có cả sự hiện diện của anh em họ hàng và ông nội bà nội (không có đăng ký kết hôn). Bố mẹ cháu chung sống với nhau suốt 33 năm, đến năm 2015 thì bố cháu mất. Người con trai riêng của bố cháu với người phụ nữ kia phủ nhận quyền làm vợ của mẹ cháu và không đồng ý chia thừa kế của bố cho mẹ. Nay cháu xin hỏi: với trường hợp của mẹ cháu thì bà có được coi là vợ của bố cháu không và có được hưởng thừa kế của bố cháu không?

Trả lời:

- Việc xác nhận tình trạng hôn nhân đối với trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ trước ngày 03/01/1987 nhưng không đăng ký kết hôn được quy định tại điểm d mục 2 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 03/01/2001 như sau:

“2. Đối với trường hợp nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 trở đi đến trước ngày 01/01/2001 (ngày Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 có hiệu lực) mà có đủ điều kiện kết hôn, nhưng chưa đăng ký kết hôn và đang chung sống với nhau như vợ chồng, thì theo quy định tại điểm b khoản 3 Nghị quyết số 35 của Quốc hội họ có nghĩa vụ đăng ký kết hôn kể từ ngày 01/01/2001 cho đến ngày 01/01/2003; do đó, cần phân biệt như sau:

[...]

d. Được coi là nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng, nếu họ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 và thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Có tổ chức lễ cưới khi về chung sống với nhau;

- Việc họ về chung sống với nhau được gia đình (một bên hoặc cả hai bên) chấp nhận;

- Việc họ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến;

- Họ thực sự chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình.

Thời điểm nam và nữ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng là ngày họ tổ chức lễ cưới hoặc ngày họ về chung sống với nhau được gia đình (một hoặc cả hai bên) chấp nhận hoặc ngày họ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến hoặc ngày họ thực sự bắt đầu chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình”.

Do đó, bố và mẹ bạn được coi là sống chung với nhau như vợ chồng.

- Quan hệ hôn nhân trong trường hợp này được quy định tại khoản 2 Điều 44 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP như sau:

“Điều 44. Điều khoản chuyển tiếp

[...]
2. Đối với các trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03 tháng 01 năm 1987 mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích và tạo điều kiện để đăng ký kết hôn. Quan hệ hôn nhân được công nhận kể từ ngày các bên xác lập quan hệ chung sống với nhau như vợ chồng. Thẩm quyền, thủ tục đăng ký kết hôn được thực hiện theo quy định tại Điều 18 của Luật hộ tịch”. 

- Việc áp dụng pháp luật để xác dịnh quan hệ hôn nhân trong trường hợp này được quy định tại khoản 1 Điều 131 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014:

“Điều 131. Điều khoản chuyển tiếp

1. Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập trước ngày Luật này có hiệu lực thì áp dụng pháp luật về hôn nhân và gia đình tại thời điểm xác lập để giải quyết”.

Như vậy, bố mẹ bạn chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987, hiện tại chưa đăng ký kết hôn tuy nhiên vẫn được pháp luật công nhận là vợ chồng (hôn nhân thực tế).

- Đối với vấn đề thừa kế, điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về trường hợp trên như sau:

“ 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;”

Như vậy, pháp luật ghi nhận quyền thừa kế của người vợ với di sản của người chồng. Do đó, quan hệ vợ chồng của bố mẹ bạn được pháp luật thừa nhận và mẹ bạn có quyền thừa kế tài sản của bố bạn.

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: tuvan@luatvietnam.vn
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY