Trả lời:
Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 32 Luật Dược 2016 thì cơ sở bán lẻ thuốc bao gồm nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc trạm y tế xã, cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền. Như vậy theo chúng tôi hiểu thì tiệm thuốc tây bạn nhắc đến chính là hình thức “Nhà thuốc hoặc quầy thuốc” theo quy định của pháp luật.
Thứ nhất, về điều kiện mở Nhà thuốc hoặc quầy thuốc tư nhân
- Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 33 Luật Dược 2016 thì Cơ sở bán lẻ thuốc phải có địa Điểm, khu vực bảo quản, trang thiết bị bảo quản, tài liệu chuyên môn kỹ thuật và nhân sự đáp ứng Thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc; đối với cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 69 của Luật này.
- Điều kiện đối với người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở bán lẻ thuốc được quy định tại Điều 18 Luật Dược 2016 như sau:
+ Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của nhà thuốc phải có Bằng tốt nghiệp đại học ngành dược (sau đây gọi là Bằng dược sỹ) và có 02 năm thực hành chuyên môn tại cơ sở dược phù hợp. Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của nhà thuốc có thể đồng thời là người làm công tác dược lâm sàng tại nhà thuốc.
+ Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của quầy thuốc phải có Bằng tốt nghiệp ngành dược từ trung cấp trở lên và có 18 tháng thực hành chuyên môn tại cơ sở dược phù hợp.
Thứ hai, về trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh
Để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, trước hết bạn phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 và các văn bản pháp lý liên quan.
Căn cứ vào thông tin mà bạn đã cung cấp thì bạn đang có nhu cầu mở cơ sở bán lẻ thuốc do mình làm chủ, do đó bạn nên đăng ký kinh doanh theo hình thức hộ kinh doanh theo quy định tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp và Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp. Trong đó:
- Theo quy định tại khoản 1 Điều 71 Nghị Định 78/2015/NĐ-CP thì hồ sơ đăng ký thành lập hộ kinh doanh bao gồm:
+ Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh;
+ Bản sao hợp lệ thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình;
+ Bản sao hợp lệ biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập;
- Theo quy định tại khoản 2 và Khoản 3 Điều 71 Nghị Định 78/2015/NĐ-CP thì thủ tục đăng ký thành lập hộ kinh doanh được thực hiện như sau: Bạn nộp 1 bộ hồ sơ tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh hoặc gửi qua đường bưu điện;
Tiếp theo bạn phải xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược. Cụ thể hồ sơ cần chuẩn bị như sau:
- Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ Điều kiện kinh doanh dược;
- Tài liệu kỹ thuật tương ứng với cơ sở kinh doanh dược;
- Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của hộ kinh doanh cá thể( do UBND cấp quận/huyện cấp) ;
- Bản sao có chứng thực Chứng chỉ hành nghề dược.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Luật Dược 2016 thì Giám đốc Sở Y tế có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ Điều kiện kinh doanh dược cho các cơ sở bán lẻ thuốc (bao gồm nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc trạm y tế xã, cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền)
Nếu còn băn khoăn, bạn đọc có thể liên hệ: 19006192 để được hỗ trợ.